Tại sao Trung Quốc giảm phát khi phương Tây chiến đấu với giá cả tăng cao?
Container và tàu chở hàng tại cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đầu tư thấp và chi tiêu giảm sẽ cản trở sự phục hồi của kinh tế

Trong một báo cáo được công bố đầu tuần này, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 6/2023 không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá sản xuất giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2016.

Điều này trở nên đặc biệt khi so sánh với tỷ lệ lạm phát của Mỹ đạt 9,1% vào tháng 6 năm ngoái và ở mức 3% vào tháng 5/2023, bất chấp nhiều đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngay cả Nhật Bản, từng gần như là tiêu biểu cho giảm phát, cũng đưa ra con số lạm phát tương đối cao là 3,2% trong tháng 5.

Gần như ngay sau khi dữ liệu giá tiêu dùng yếu được công bố trong tuần này, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng một gói các biện pháp liên quan đến tín dụng cho các nhà phát triển nhằm ngăn chặn đà giảm giá nhà ở. Chính phủ đã giảm lãi suất chính sách 10 điểm cơ bản trong năm nay và nhiều người kỳ vọng sẽ cắt giảm thêm trong quý thứ ba để duy trì tăng trưởng tín dụng.

Các nền kinh tế phát triển đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi giá năng lượng và lương thực tăng vọt khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào năm ngoái, nhưng các biện pháp kiểm soát giá năng lượng ở Trung Quốc đã bảo vệ họ khỏi những biến động tồi tệ nhất đó. Thay vào đó, đất nước có nguy cơ giảm phát do nhu cầu của người tiêu dùng và đầu tư tư nhân thấp khi nền kinh tế thoát khỏi sự kiểm soát hà khắc do Covid-19, các nhà kinh tế cho biết.

Với việc Trung Quốc sẵn sàng công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội quý II vào thứ Hai tuần tới, các nhà kinh tế sẽ theo dõi chặt chẽ các manh mối về sức khỏe cơ bản của nền kinh tế và những gì các nhà hoạch định chính sách có thể làm để duy trì đà phục hồi hậu Covid của đất nước.

“Mấu chốt là như vậy” - Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis cho biết, nhu cầu trong nước thực sự yếu và điều đó giải thích cho xu hướng tiêu dùng của quốc gia đông dân này.

Trung Quốc đi ngược lại xu hướng lạm phát toàn cầu, vì sao?

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng hoàn toàn thoát khỏi đại dịch, bỏ qua các biện pháp kiểm soát Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái. Giống như các quốc gia khác, Trung Quốc đã tìm cách chống lại các tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch bằng cách duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp.

Các nhà phân tích cũng đang chờ đợi một cuộc họp của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị Trung Quốc trong tháng này và mong đợi nhiều biện pháp hơn. Hầu hết trong số họ dự đoán bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng sẽ gia tăng hơn, trong bối cảnh Bắc Kinh thiếu dự phòng tài chính và có lẽ có xu hướng tung ra các gói kích thích “bazooka” như trong quá khứ. Nhưng có một sự đồng thuận ngay cả với một số cựu quan chức chính phủ rằng, cần phải làm nhiều hơn nữa.

Vào năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã phát hành trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (140 tỷ USD), điều hành thâm hụt tài khóa 3,6% GDP và cắt giảm lãi suất chính sách 30 điểm cơ bản.

Theo nghiên cứu của Citi, vào năm 2022, chính quyền đã chuyển 1,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ khác trong chính sách “hỗ trợ tương đương tài chính” thông qua các hệ thống ngân hàng nhà nước. Đồng thời, cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương lớn hơn và cắt giảm lãi suất thêm 20 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, chính sách kích thích tài khoá của Bắc Kinh chủ yếu được chuyển đến các lĩnh vực như chi tiêu cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dưới hình thức giảm thuế, cắt giảm các khoản thanh toán an sinh xã hội bắt buộc đối với tiền lương và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn mất việc làm.

Ngược lại, nước Mỹ đã đưa ra một kế hoạch kích thích tài chính và tiền tệ lớn hơn nhiều, với việc người tiêu dùng Mỹ nhận được một phần tiền thưởng dưới dạng thanh toán trực tiếp và trợ cấp thất nghiệp. Mỹ và các nước phương Tây khác cũng phải chịu những hạn chế từ phía cung khi mọi người rời bỏ lực lượng lao động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ở Trung Quốc, công xưởng của thế giới, có ít vấn đề về chuỗi cung ứng hơn. Công dân Trung Quốc bị nhốt trong nhà lâu hơn và doanh nghiệp đóng cửa, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thiệt hại nặng nề cho bảng cân đối kế toán hộ gia đình. Sự sụp đổ tài sản cũng ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, làm giảm lạm phát giá sản xuất. Đồng thời, sau đại dịch, nhiều chính quyền địa phương đã chìm trong nợ nần.

Tại sao Trung Quốc giảm phát khi phương Tây chiến đấu với giá cả tăng cao?
Một công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất vành thép xe đạp tại một nhà máy ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khu vực tư nhân bị dư thừa công suất và cảm nhận được nhu cầu yếu của người tiêu dùng nên họ không sẵn sàng đầu tư. Các nhà phân tích của Citi đã viết trong một báo cáo gần đây: “Trung Quốc đang trên bờ vực của một 'cái bẫy niềm tin' tự hoàn thành khi xung lực mở cửa trở lại lúc ban đầu bắt đầu mờ dần”.

Giảm phát có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?

Các nhà phân tích cho biết về mối nguy hiểm đối với các nhà hoạch định chính sách nếu xu hướng giảm phát ăn sâu vào kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các công ty sẽ tiếp tục giữ lại đầu tư khi lợi nhuận cạn kiệt trong khi người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn do lo lắng về an ninh việc làm và giá bất động sản tiếp tục giảm.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Lou Jiwei cho biết, chính phủ Trung Quốc nên nới rộng thâm hụt tài khóa năm nay thêm 1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ đến 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ để trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các biện pháp, cùng với việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến thế chấp và mua nhà, là cần thiết “để đưa nền kinh tế phục hồi trở lại theo hướng vững chắc hơn”, truyền thông nhà nước dẫn lời ông nói.

Có bằng chứng cho thấy lĩnh vực bất động sản, sau khi ổn định vào đầu năm, lại đang trên đà đi xuống. Nomura cho biết, khối lượng giao dịch theo diện tích sàn vào tháng 6 đã giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu so với mức giảm 3,5% trong tháng 5, dựa trên mẫu 330 thành phố được cung cấp bởi dịch vụ dữ liệu Wind.

Các nhà kinh tế cảnh báo về khả năng giá tiêu dùng yếu hơn nữa. Mặc dù tỷ lệ lạm phát chung của Trung Quốc không thay đổi trong tháng 6, nhưng lạm phát cơ bản - loại trừ giá lương thực và năng lượng dễ biến động - đã giảm 0,1% so với một tháng trước đó, “điều này có thể cho thấy đà phục hồi tiêu dùng đã mất đi” - HSBC cho biết trong một báo cáo.

Giá thực phẩm cũng không ổn định: Chẳng hạn như giá thịt lợn giảm đã ảnh hưởng đến giá tiêu dùng trong tháng 6 do nguồn cung mạnh trong khi nhu cầu yếu.

Lạm phát dự kiến ​​sẽ tăng nhẹ trong những tháng tới do hiệu ứng cơ sở thấp, nhiều nhà phân tích cho rằng chính phủ cần can thiệp nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế nhằm neo giữ kỳ vọng.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Việc nới lỏng chính sách hơn nữa về nhà ở và cơ sở hạ tầng, có thể đến trong những tuần tới, sẽ rất quan trọng để ổn định tổng cầu”./.