bị cáo

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nhận định, các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các tòa án giải quyết trong hạn luật định

Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thường trực mở rộng, thẩm tra các báo cáo công tác năm 2021 của Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết, từ 1/10/2020 đến ngày 31/7/2021, các tòa án đã thụ lý 510.928 vụ việc, đã giải quyết 363.527 vụ việc (đạt 71,15% trong tổng số vụ án đã thụ lý); so với cùng kỳ năm trước, thụ lý giảm 39.902 vụ việc, giải quyết giảm 45.381 vụ việc.

"Nhiều vụ việc không thể mở phiên toà, phiên họp theo kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19", báo cáo lý giải.

Cụ thể, trong xét xử các vụ án hình sự, các tòa án đã thụ lý 77.446 vụ, với 141.101 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được đạt 81,41% về số vụ và 77,47% về số bị cáo (giảm 4,40% số vụ; 5,53% số bị cáo so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý là các tòa án đã thụ lý 362 vụ, với 1.039 bị cáo phạm tội tham nhũng; đã xét xử 186 vụ, với 440 bị cáo (giảm 26 vụ, 62 bị cáo so với cùng kỳ năm trước). Trong số 440 bị cáo đã xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt: tù chung thân 6 bị cáo; tù từ trên 15 năm đến 20 năm 20 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm 47 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm 106 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 123 bị cáo; còn lại là các hình phạt khác.

Nhìn chung, theo Nhóm nghiên cứu, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, song các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các tòa án giải quyết trong hạn luật định; xử phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và vận động người phạm tội tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các tòa án đã xét xử sơ thẩm 25 vụ, phúc thẩm 9 vụ, giám đốc thẩm 2 vụ án. Các tòa án đã chú trọng giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc những tài sản do phạm tội mà có.

Việc xét xử các vụ án này bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn theo kế hoạch của Ban chỉ đạo đề ra; không có trường hợp nào bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự. Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, gây ra hậu quả đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Các tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Trong đó: Tỷ lệ án bị hủy 0,76% (do nguyên nhân chủ quan là 0,53%, giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước); bị sửa 4,87% (sửa do nguyên nhân chủ quan 0,2%, giảm 0,04% so với cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý về tỷ lệ giải quyết án hình sự giảm 4,4% về số vụ so với cùng kỳ năm trước và vẫn còn trường hợp án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, trong đó bị hủy 0,53%; bị sửa 0,20%./.

Theo sggp.org.vn