Việc ứng dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng bảo trì đường bộ. Ảnh: Trần Ngọc
Những thành tựu mà Tổng cục ĐBVN đạt được mà đặc biệt là việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào công tác bảo trì góp phần gìn giữ kết cấu hạ tầng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông là nền tảng vững chắc để phát triển trong tương lai.
Sửa chữa hàng nghìn cây cầu, hàng chục triệu m2 mặt đường
Điểm nhấn quan trọng trong 10 năm qua của Tổng cục ĐBVN là công tác bảo trì đường bộ đã có bước tiến vượt bậc. Trước năm 2009, do phải tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản cho xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp đường bộ nhằm tận dụng sự hỗ trợ nguồn vốn ODA nên bảo trì đường bộ còn chưa được chú trọng đúng mức. Với chiều dài các tuyến quốc lộ từ trên gần 17.000 km, kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu.
Đến năm 2013 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Qũy Bảo trì đường bộ và đề án đổi mới toàn diện công tác bảo trì đường bộ do Tổng cục ĐBVN đề xuất được Bộ GTVT và Chính phủ phê duyệt. Từ đây, những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, thể chế và ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo trì đường bộ được Tổng cục ĐBVN tổ chức thực hiện bài bản, khoa học.
Ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ quản lý bảo trì, Tổng cục ĐBVN cho biết, sau khi thành lập, Tổng cục ĐBVN đã hoàn thiện về tổ chức và thể chế như: Chuyển đổi phương thức thực hiện theo định hướng xã hội hóa, từ giao kế hoạch, đặt hàng như trước đây sang hình thức đấu thầu cạnh tranh và đổi mới phương thức thanh toán; tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các đơn vị sự nghiệp tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Để kéo dài tuổi thọ của hệ thống đường bộ, giảm tai nạn giao thông, giao thông an toàn, thông suốt và phát huy hiệu quả nguồn kinh phí, tổng cục đã tập trung nguồn lực sửa chữa được hàng nghìn cây cầu, hàng chục triệu m2 mặt đường, hàng chục nghìn km đường được thảm mới; giảm hàng trăm điểm đen, điểm mất an toàn giao thông (ATGT); hệ thống ATGT được sửa chữa thay thế kịp thời. Cùng với đó là những con đường, những cây cầu được nâng cấp, mở rộng tạo sự kết nối thuận tiện giữa các tỉnh, thành phố.
Điểm nổi bật nữa của Tổng cục ĐBVN là thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Chính phủ. Ông Lê Hồng Điệp cho biết, đấu thầu qua mạng được xem là xu thế phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa tới mọi lĩnh vực và dần thay thế đấu thầu truyền thống bởi tính ưu việt trong tiết kiệm chi phí, minh bạch, công bằng và tăng sự cạnh tranh, giảm tối đa tác động của con người. Đến cuối năm 2019, hầu hết các gói thầu đã được Tổng cục ĐBVN thực hiện đấu thầu qua mạng, số tiền tiết kiệm được lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hơn 1.200 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý
Cùng với đổi mới toàn diện công tác bảo trì đường bộ, công tác khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng được đặc biệt quan tâm. Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục ĐBVN Vũ Ngọc Lăng cho biết, nhiều đường cứu nạn ở những cung đường nguy hiểm, nơi từng xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc được triển khai xây dựng, cứu được nhiều xe tải trọng lớn, xe contaner thoát khỏi tai nạn thảm khốc. Điển hình là việc xây dựng thêm nhiều đường cứu nạn có độ dốc và độ nhám cao ở khu vực đèo Lò Xo - nơi nổi tiếng về các vụ tai nạn thảm khốc trước đây, lắp đặt hệ thống cảnh báo, phòng hộ, ngăn chặn tai nạn ở Dốc Cun, đèo Thung Khe trên quốc lộ 6.
Tổng cục ĐBVN đã thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý kiểm tra, rà soát và bổ sung các hạng mục về an toàn giao thông (vạch kẻ đường, biển báo...); chỉ đạo VIDIFI sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng từ Km49+100-Km82+800 trên tuyến quốc lộ (QL) 5. Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đang nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp tổng thể nhằm tăng cường ATGT trên tuyến QL5 để báo cáo Bộ GTVT.
Còn đối với tuyến QL38B, Bộ GTVT đã chấp thuận và bố trí kinh phí để thực hiện công tác sửa chữa hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch sơn trên tuyến QL38B đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên để đảm bảo ATGT (năm 2018 đã bố trí 500 triệu đồng để thực hiện chỉnh trang hệ thống biển báo, vạch sơn đoạn Km 19+950 – Km 38+305 và đoạn Km 45+075 – Km 80+395; năm 2020 đã bố trí 2,275 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa hệ thống báo hiệu đường bộ đoạn Km 19+950 – Km 38+305). Việc đầu tư xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên các quốc lộ là cần thiết để đảm bảo ATGT.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, bên cạnh những giải pháp toàn diện được triển khai, những kết quả đạt được của trong 10 năm qua có được là do Tổng cục ĐBVN đã nhanh chóng làm chủ công nghệ và ứng dụng hiệu quả vào công tác quản lý tất cả các lĩnh vực. Năm 2018, Tổng cục ĐBVN được Bộ GTVT xếp hạng đứng thứ nhất trong toàn ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, nhiệm vụ phía trước của ngành là rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Vì vậy, thời gian tới, Tổng cục ĐBVN sẽ chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt là sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 với những vấn đề trọng tâm: quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; quản lý phương tiện, quản lý và bảo trì đường bộ, cơ chế quản lý và khai thác đường cao tốc…
Đồng thời, ngành đường bộ cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu và bảo vệ hành lang ATGT cũng như sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng xe; đổi mới, siết chặt công tác tổ chức đào tạo, sát hạch cấp GPLX; nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; xây dựng văn hóa “4 xin, 4 luôn”; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Trí Dũng - Văn Nam