Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, tổ chức từ ngày 29 đến 30/11.

Tinh giản biên chế: Không giảm mà lại tăng

Tại Hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo ông Phạm Minh Chính, các nước trên thế giới trung bình có 12 - 16 bộ, trong khi Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Nếu so sánh trong số những nước có điều kiện tương đồng về dân số, quy mô lãnh thổ, nước ta vẫn là nước có số đầu mối bộ, ngành cao nhất. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức cán bộ, công chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN) rất lớn, nhất là biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn. Tính đến 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ NSNN là khoảng 4 triệu người, chưa tính lực lượng quân đội và công an.

Đáng chú ý, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên. Cụ thể, theo Nghị quyết 39, mỗi năm cả nước phải tinh giản 70.000 người, nhưng sau 2 năm, thực tế lại tăng lên 96.000 người.

Bên cạnh đó, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương còn nhiều. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ trung ương đến cấp huyện. Theo ông Phạm Minh Chính, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có đơn vị còn có tới 19 hàm phó vụ trưởng.

Đối với hệ thống chính quyền địa phương, ông Phạm Minh Chính cho biết, sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước ta đã tăng thêm 19 và tăng 178 đơn vị cấp huyện, 1.136 đơn vị cấp xã. Hơn nữa, sự khác biệt giữa các đơn vị hành chính về quy mô dân số, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội lại chưa được làm rõ.

“Mục tiêu của Nghị quyết là từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế, nếu vậy thì chúng ta giảm được 400.000 biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên khoảng 5%, tương đương 45.000 tỷ đồng”, ông Phạm Minh Chính phân tích.

Lương sự nghiệp chiếm gần 40% quỹ lương của NSNN

Chiều 29/11, PGS.TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giới thiệu, phân tích nội dung Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL”.

Theo Phó Thủ tướng, hệ thống ĐVSNCL của Việt Nam đóng góp lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của ĐVSNCL còn nặng tính bao cấp, “tâm lý trông chờ vào NSNN còn phổ biến”.

Hiện cả nước có 57.995 ĐVSNCL với tổng biên chế khoảng 2,45 triệu viên chức, trong đó ngành Y tế và Giáo dục chiếm gần 70% tổng số biên chế. Chi lương cho các ĐVSNCL chiếm tới gần 40% tổng quỹ lương của NSNN. Tuy nhiên, chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.934 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên;12.968 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên; 42.146 đơn vị do NSNN bảo đảm hoàn toàn hoạt động.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Thời điểm chín muồi của sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của các ĐVSNCL đã tới. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ vừa cấp bách - phải làm ngay, vừa lâu dài đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền”.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 19 là tới năm 2021: Giảm tối thiểu 10% số đơn vị so với năm 2015 (tương ứng giảm 5.800 đơn vị); giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 (khoảng 240.000 biên chế); cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định; bảo đảm 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm 10% chi trực tiếp từ NSNN so với giai đoạn 2011-2015.

“Mục tiêu của Nghị quyết là giảm các đầu mối ĐVSNCL và giảm biên chế hưởng lương từ NSNN, nhưng không có nghĩa là sẽ giảm số lượng biên chế sự nghiệp mà số lượng này có thể tăng lên, khi các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ được tài chính thì có quyền tuyển thêm biên chế để phục vụ cho hoạt động chứ không phải cắt giảm biên chế”, Phó Thủ tướng nói.

Nghị quyết cũng nêu các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề… Theo đó, trong lĩnh vực dạy nghề, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện. Nếu thực hiện được, thì cả nước sẽ giảm được hơn 1.400 đầu mối.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW sẽ thành công khi một vài năm qua, nhiều tỉnh, địa phương đã thực hiện sắp xếp các đầu mối ĐVSNCL mà không phải đợi Trung ương ra nghị quyết và chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ.

4 Nghị quyết được Hội nghị quán triệt thực hiện, đó là: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”; “Công tác dân số trong tình hình mới”.


T.T (tổng hợp)