Chiều ngày 23/5/2017, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận hội trường về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều băn khoăn vì quy định còn “khẩu hiệu”

Mặc dù đánh giá cao về tính cần thiết của Luật, nhưng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính khả thi, tính cụ thể và hiệu lực thi hành kịp thời của Luật, vì dự án Luật giao Chính phủ quy định nhiều nội dung, đồng thời phải chờ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật còn 7 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, như về tiêu chí xác định DNNVV thuộc diện được hưởng hỗ trợ, 3 nội dung quy định về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của 3 quỹ… là nhằm bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế từng thời kỳ. Luật chỉ đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

Mặt khác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí DNNVV (giảm mức trần về số lao động, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội) sẽ thu hẹp đối tượng DNNVV được hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ ...

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đề nghị rà soát dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai và các luật về thuế.

Giải trình về điều này, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho hay, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, Luật này chỉ nêu nguyên tắc, nội dung hỗ trợ DNNVV, việc hỗ trợ cụ thể sẽ do các luật khác quy định.

Hoàng Quang Hàm
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 23/5.

Băn khoăn về tính khả thi của dự luật, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), cho rằng, các quy định quá chung chung, thiếu các quy định cụ thể. “Dù dự thảo thiết kế theo hướng những nội dung hỗ trợ DN mà các luật khác đã quy định hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật nhưng “như vậy luật này có cần thiết?”, ĐB Hàm nói.

Theo ĐB Hoàng Quang Hàm, để hỗ trợ DNNVV tốt nhất, điều quan trọng là phải cải cách bộ máy tổ chức để phục vụ DN; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thành lập DN, tiếp cận tín dụng để giảm chi phí cho DN…

Đồng quan điểm rằng, dự án Luật còn quy định hỗ trợ chung chung, chỉ mang tính khuyến khích, khó khả thi, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay, “nếu quy định như vậy, sẽ khó xác định cụ thể DNNVV được hỗ trợ gì, ra sao, đơn vị hỗ trợ”.

Không hỗ trợ cào bằng, tránh lợi dụng chính sách

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng việc hỗ trợ thuế đối với DNNVV là cần thiết, nhưng cần phải quy định cụ thể. Tong khi đó, một số đại biểu lại đề nghị không quy định hỗ trợ thuế hoặc thu hẹp phạm vi theo hướng chỉ hỗ trợ thuế cho các DNNVV là đối tượng hỗ trợ trọng tâm, tránh làm giảm lớn thu ngân sách.

Cho ý kiến về điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế, mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế.

“Từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV; qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong dài hạn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ.

ĐB Hoàng Quang Hàm cũng bày tỏ băn khoăn về các quy định ưu đãi thuế đối với DNNVV trong dự án Luật. Đại biểu đề nghị cần xem lại vì nếu hỗ trợ dàn trải thì phạm vi phải hỗ trợ quá rộng và từ đó làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước. Vì thế, “nên chăng không nên quy định và cần có những chính sách cụ thể ban hành theo từng thời kỳ”, ĐB Hàm nói.

Đồng thuận với ý kiến này, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho hay, “không nên áp dụng dàn trải mà phải loại trừ một số trường hợp, chẳng hạn như DN thua lỗ liên tục, gây ô nhiễm môi trường,...”.

Tại phiên thảo luận, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) kỳ vọng dự án Luật khi ban hành sẽ nâng cao sức cạnh tranh của DNNVV hiện nay; tuy nhiên cần phải thiết kế, quy định tránh tạo tiền đề để DN chỉ duy trì mức độ nhỏ, siêu nhỏ để được ưu đãi, thậm chí lập DN ra để nhận hỗ trợ.

ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng cho rằng, dự án Luật cần ưu tiên những DN mà hoạt động kinh doanh có chiều hướng tốt, tránh tình trạng DN chỉ phát triển ở mức độ giới hạn để nhận được hỗ trợ.

“Dự án Luật cần quy định rõ nghĩa vụ hoàn trả của DN nếu trục lợi theo quy định của Bộ luật Hình sự, xử lý vi phạm hành chính… để có căn cứ xử lý. Điều này sẽ tránh, ngăn ngừa DN lợi dụng chính sách hỗ trợ hoặc chỉ muốn “nhỏ mà không chịu lớn”, ĐB Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho thêm ý kiến./.

Duy Thái