Chưa bắt kịp nhịp phục hồi

Đầu năm 2024, nền kinh tế cả nước đã có sự phục hồi thể hiện ở các số liệu tăng trưởng chung đều tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Riêng với khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Nhóm hàng kéo tụt lợi nhuận trong quý I

Trong các mặt hàng kinh doanh, nhóm hàng làm kéo tụt lợi nhuận quý I/2024 của Hóa chất Đức Giang chủ yếu là phốt pho vàng và H3PO4 khi doanh thu mặt hàng này giảm 7% trong quý I/2024 do giá bán giảm.

Mặc dù vậy, cơ hội không chia đều cho tất cả các doanh nghiệp, bởi một số doanh nghiệp vẫn “chậm chân” hơn so với cả đoàn tàu. Chẳng hạn như Hóa chất Đức Giang là một trong những doanh nghiệp vẫn bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận so với giai đoạn đầu năm 2023.

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I/2024 ghi nhận 2.385 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 704 tỷ đồng, giảm 14,5% so với quý I năm ngoái. Tốc độ giảm lợi nhuận nhanh hơn so với tốc độ giảm doanh thu chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng từ 1.593 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên mức 1.619 tỷ đồng trong quý I/2024.

Khối tiền khổng lồ đang “nằm ngủ” của Hóa chất Đức Giang
Hóa chất Đức Giang là doanh nghiệp niêm yết sàn HOSE với mã cổ phiếu là DGC. Ảnh: T.L

Bức tranh ngược về diễn biến tài chính

Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiền thân là Công ty Hoá chất Đức Giang, trước đây là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục Hóa chất Việt Nam, được thành lập từ năm 1963. Một số sản phẩm chính của doanh nghiệp này bao gồm chất tẩy rửa, phân bón, phốt pho, hóa chất công nghiệp…

Doanh nghiệp ngành hóa chất này hiện có vốn chủ sở hữu lên tới 12.510 tỷ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh quý II/2024, công ty đặt kỳ vọng đạt tổng doanh thu hợp nhất là 2.406 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất là 700 tỷ đồng. Kế hoạch này nếu thành hiện thực thì doanh thu của công ty có tăng trưởng nhẹ so với quý I/2024, nhưng lợi nhuận vẫn giảm chút ít so với quý trước.

Tuy diễn biến hoạt động kinh doanh vẫn chưa cho thấy tín hiệu tăng tốc xuất hiện, nhưng một trong những yếu tố vẫn còn giữ được sự yên tâm cho nhà đầu tư và cổ đông của công ty này là việc doanh nghiệp đang có một nguồn lực tài chính khá mạnh.

Tại thời điểm cuối quý I/2024, Hóa chất Đức Giang có tới 9.456 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng. Với nguồn lực tiền như trên, Hóa chất Đức Giang cũng chưa phải chịu quá nhiều áp lực ngay cả khi diễn biến dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này âm không nhỏ, với 1.774 tỷ đồng trong quý I/2024.

Khối tiền khổng lồ đang “nằm ngủ” của Hóa chất Đức Giang
Một trong những sản phẩm của công ty là phân bón. Ảnh: T.L

Nhìn lại bức tranh tài chính của Hóa chất Đức Giang trong thời gian qua có thể công ty này vẫn nắm lượng tiền khá lớn trong thời gian dài. Cụ thể, quy mô các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cuối quý I/2024 là 8.737 tỷ đồng, cuối quý II/2023 là 8.521 tỷ đồng, cuối quý II/2023 là 9.594 tỷ đồng và cuối năm 2023 là 9.342 tỷ đồng.

Lượng tiền lớn này đã có đóng góp lớn cho kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp này trong năm 2023 nhờ doanh thu hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu tài chính của công ty trong năm 2023 lên tới 739 tỷ đồng, lớn gấp gần 1,4 lần năm 2022, gấp 4,3 lần năm 2021 và gấp 6 lần năm 2020.

Tuy nhiên, thời kỳ “ngồi không hưởng lãi” đã dần qua khi chu kỳ lãi suất cao không còn, và thực tế lãi suất hiện tại đã giảm rất mạnh so với năm 2023. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tổng hợp từ báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư năm 2024 cho thấy, doanh nghiệp cũng chưa có dự án lớn nào cần giải ngân trong năm. Theo đó, doanh nghiệp vẫn đang ở trạng thái để tiền “nằm ngủ” trong bối cảnh hiệu quả đầu tư tài chính đang suy giảm khá nhiều so với thời gian trước trong môi trường lãi suất thấp năm 2024.

Một số khoản đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2024, công ty có thể sẽ dùng 500 tỷ đồng đầu tư xây dựng Tổ hợp xút chất dẻo tại Nghi Sơn (giai đoạn 1) và 10 tỷ đồng mở rộng nâng cấp trữ lượng tại khai trường 25.