Các biện pháp thu hồi tài sản thông dụng

GS-TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho rằng, căn cứ pháp lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng là Công ước Liên Hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Văn bản này quy định đầy đủ và toàn diện những chuẩn mực tối thiểu cho công tác thu hồi tài sản nói chung trên toàn cầu.

Bà Vũ Thu Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp - Ban Nội chính Trung ương thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, các quốc gia có thể sử dụng 1 trong 4 phương thức cơ bản để thu hồi tài sản, đó là: Thu hồi tài sản dựa trên truy tố hình sự không dựa trên kết án hình sự, thông qua quyết định hành chính và kiện dân sự.

tham nhũng
Việc thu hồi tài sản tham nhũng rất khó khi thu nhập chưa công khai, minh bạch. Ảnh minh họa.

Tại hội thảo, chuyên gia của Việt Nam cũng như đến từ Australia cho rằng, cách tốt nhất để xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng mà các quốc gia thường lựa chọn là điều tra và truy tố hình sự. Đồng thời, khi cần giải quyết các trường hợp lạm dụng quyền lực, thường là bắt đầu bằng hành động cưỡng chế đối với người vi phạm; cơ bản hướng tới bỏ tù người phạm tội kết hợp với tịch thu các lợi ích bất hợp pháp có được bởi hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, nỗ lực này có thể không đạt được trong một số trường hợp.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ áp dụng biện pháp hình sự thường không giải quyết được một số hậu quả của tham nhũng, mặc dù người vi phạm chắc chắn phải xử lý hình sự và chịu trách nhiệm cá nhân về những thiệt hại đã gây ra cho xã hội.

Vì thế, để thực hiện thành công việc thu hồi tài sản và bồi thường thiệt hại, các biện pháp dân sự thường là cần thiết và là yếu tố bổ sung hữu ích cho biện pháp hình sự. Thậm chí, biện pháp dân sự có thể được áp dụng khi các thủ tục hình sự đã kết thúc.

Minh bạch về tài sản, thu nhập

Kinh nghiệm thu hồi tài sản tham nhũng từ các nước
Để phòng chống tội phạm tham nhũng thì cần phải minh bạch hóa tài sản, thu nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để đấu tranh triệt để với hành vi tham nhũng và thực hiện hiệu quả các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Chuyên gia Australia

Chia sẻ kinh nghiệm thu hồi tài sản tham nhũng các chuyên gia Australia cho biết, những thủ tục và quy trình bắt buộc phải tuân theo trong các trường hợp thu hồi tài sản.

Đó là căn cứ vào luật hình sự và kết quả tuyên án của tòa án (thu hồi tài sản hình sự), cho phép thu hồi tài sản từ hành vi phạm pháp không cần kết án (thu hồi tài sản dân sự); thông qua việc tố tụng ở các tòa án dân sự (tố tụng dân sự).

Các chuyên gia Australia cũng cho rằng, để phòng chống tội phạm tham nhũng thì cần phải minh bạch hóa tài sản, thu nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để đấu tranh triệt để với hành vi tham nhũng và thực hiện hiệu quả các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng.

Minh bạch về tài sản, thu nhập giúp các cơ quan chức năng phân biệt được đâu là tài sản có nguồn gốc hợp pháp và đâu là tài sản có nguồn gốc không hợp pháp, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cho phù hợp.

Vấn đề mà các chuyên gia còn băn khoăn, đó là việc vận dụng những kinh nghiệm đó vào Việt Nam như thế nào? Với biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng thông qua kết án hình sự, ông Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, với trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự, nhưng trong quá trình điều tra, bị can hoặc bị cáo (tòa đã tuyên án) chết, cơ quan tố tụng đã đình chỉ vụ án hình sự thì cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện dân sự để đòi lại tài sản mà người phạm tội tham nhũng chiếm đoạt.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án hình sự như nhiều nước đang thực hiện cũng là một vấn đề khó áp dụng tại Việt Nam. Bởi vì, việc chứng minh nguồn gốc tài sản của người bị tình nghi phạm tội mà có đã khó, nhưng việc tịch thu tài sản không dựa trên phán quyết của tòa lại càng khó hơn.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết:

Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, nhất là những ý kiến phản biện, Tổ nghiên cứu cũng như Ban Nội chính Trung ương sẽ được tập hợp lại để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham khảo, qua đó hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Nhật Minh