chữa nói lắp

Cuốn sách "Chữa nói lắp - Phòng và chữa nói lắp cho trẻ. Ảnh: DT

Đây là những vấn đề chính được đề cập, phân tích cụ thể và đề xuất giải pháp chữa trị trong cuốn sách “Chữa nói lắp - Phòng và chữa nói lắp cho trẻ” của tác giả trẻ Nguyễn Văn Tiến.

Nói lắp không phải do bẩm sinh?

Theo tác giả Nguyễn Văn Tiến, nói lắp là một vấn đề của ngôn ngữ, mà người bị nói lắp không nói ra được những điều cần nói trong một khoảng thời gian hợp lý. Bản chất của nói lắp là “cảm thấy khó khăn khi nói một hoặc nhiều từ nào đó”, khi ngập ngừng không nói thì người đó phải hô hấp dẫn đến bị hết hơi, khi buộc phải nói ra từ khó thì từ đó không rõ và lặp đi lặp lại. Những hành động như chắt lưỡi, nghẹo cổ,… chỉ là những thói quen được hình thành do người bị nói lắp cố tình tạo ra để đánh lạc hướng người đối thoại mà thôi.

Tôi muốn các bạn biết rằng, nói lắp không phải do bẩm sinh, nói lắp hoàn toàn chữa khỏi dứt điểm được. Các bạn hãy bỏ ngoài tai những thông tin không phù hợp để chọn cách tiếp cận vấn đề tích cực nhất.

nguyen van tien

Tác giả Nguyễn Văn Tiến

Ví như một người bị nói lắp không thể nói ra được những điều cần nói, họ cố tình gãi đầu gãi tai để người đối thoại hiểu rằng, người đó không hiểu vấn đề chứ không biết người đó bị nói lắp. Những hành động như vậy diễn ra thường xuyên nên đã trở thành thói quen.

Do vậy, trong cuốn sách, tác giả Nguyễn Văn Tiến khẳng định rằng: “Nói lắp không phải do bẩm sinh”.

Tác giả lý giải, nếu tất cả chúng ta khi vừa sinh ra đã biết nói ngay, thì chúng ta mới có thể phân loại được “nói lắp có do bẩm sinh hay không”.

Thực tế thì, tất cả chúng ta sinh ra đều chưa biết nói và đều phải trải qua quá trình học nói để từ “chưa biết nói” đến “biết nói”, thì không thể khẳng định nói lắp do bẩm sinh được. Mà đây là do quá trình học nói chưa hoàn thiện.

Theo tác giá, nói lắp có 3 nguyên nhân chính là: Do quá trình học nói chưa hoàn thiện; do bắt chước; và do chịu áp lực lớn về tâm lý.

“Nguyên nhân nói lắp do bắt chước là phổ biến nhất. Khi chúng ta thực hiện một hành vi mới thì bộ não sẽ sản sinh ra những liên kết nơ-ron mới để quy định hành vi mới đó. Khi hành vi đó xuất hiện nhiều lần thì những liên kết nơ-ron quy định hành vi đó sẽ trở nên ổn định, chắc chắn. Đó là lúc thói quen dần được hình thành. Từ nguyên nhân này, có thể khẳng định một điều rằng, dù bạn là nhà bác học, kiến trúc sư, luật sư, giáo viên, nông dân hay thợ mỏ,… Nếu thực hiện hành vi nói lắp nhiều lần thì người đó vẫn bị nói lắp bình thường”, tác giả cho hay.

Đối với nguyên nhân do áp lực tâm lý, trong trạng thái bình thường tự nhiên, cơ thể chúng ta duy trì mức năng lượng hài hòa cho các cơ quan bộ phận, khi phải chịu áp lực tâm lý quá lớn đột ngột, năng lượng trong cơ thể được tập trung không đều dẫn đến hiệu suất hoạt động không cao, như hồi hộp, chân tay run, nói lắp… Nếu hiện tượng này xuất hiện thường xuyên thì nói lắp sẽ trở thành một thói quen.

Hoàn toàn có thể chữa khỏi

Tác giả Nguyễn Văn Tiến cho rằng, những người bị nói lắp trên thế giới chưa chữa khỏi được nói lắp vì họ không làm được 4 điều quan trọng sau: Không biết cách tiếp cận vấn đề tích cực nhất; không tập luyện các phương pháp theo một trình tự hợp lý; không biết cách sử dụng trí tưởng tượng, mà nâng cao hơn là vận dụng luật hấp dẫn; không kỷ luật và kiên trì trong hành động.

“Nếu nói lắp có thực sự do bẩm sinh, thì chúng ta cũng không nên tin điều đó đúng, để chọn cách tiếp cận tích cực để chứng minh điều ngược lại”, tác giả khẳng định.

Trong khi các nhà nghiên cứu còn chưa tìm được ra nguyên nhân và cách chữa dứt điểm nói lắp, thì mới tìm tạm một đáp án là “nhiều khả năng do bẩm sinh”. Điều đó không sao, nhưng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những người tin ngay vào những điều đó. Vì khi họ tin nói lắp do bẩm sinh và không chữa khỏi được, thì họ sẽ làm việc không hết mình và có làm gì cũng không thoát ra được bốn chữ: “không chữa khỏi được”. Họ bị mắc kẹt bởi chính điều họ tin và kết quả là họ mãi không thành công.

Có một số bạn còn tin dự đoán của các nhà nghiên cứu “chỉ có thể hạn chế được nói lắp”, nên họ bỏ qua tất cả những điều tích cực và chỉ làm những việc xoay quanh niềm tin đó. Có những MC nổi tiếng từng bị nói lắp mà họ còn cho rằng người đó chỉ hạn chế được nói lắp thôi. Họ không nhận thấy rằng, nói lắp của họ được cải thiện hơn trước thì họ chỉ có cảm giác ở mức cao hơn chứ không còn cảm giác khi bị nặng nữa. Họ không nhận ra rằng khi học lên lớp 5 thì đâu còn cảm giác đang học lớp 1 nữa.

Bởi vậy, tác giả cuốn sách cho rằng, cách tiếp cận tích cực giúp họ có những cảm xúc tích cực và tư duy tích cực, giúp họ làm việc nhiều hơn và tạo ra nhiều kết quả tích cực hơn. Chẳng hạn mỗi khi nói lắp xuất hiện, người tiếp cận tiêu cực thì nghĩ: “Chết rồi, phương pháp chữa nói lắp có hiệu quả không? Mình bị nặng hơn thì sao,…”. Người tiếp cận tích cực thì nghĩ: “Đây là cơ hội để ta chiến đấu trực tiếp với nói lắp, đây là lần xuất hiện giảm dần của nói lắp…”./.

Tác giả Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1991, ở thôn Xuân Dục, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; hiện tác giả là thiếu úy Cảnh sát Nhân dân, cán bộ Tổng hợp, công tác tại Đồn Công an Trung Giã, Công an huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Ngoài những vấn đề chính là nói lắp, phương pháp chữa nói lắp, tôi tự chữa nói lắp như thế nào… cuốn sách còn có một số nội dung hữu ích khác như: Vai trò của gia định trong sự phát triển của trẻ; là một đứa trẻ, tôi cần gì; mỗi chúng ta là một thương hiệu; làm đẹp bằng trí tưởng tượng...

PV