PVP

PVTrans Pacific là công ty mà có thế mạnh về kinh doanh tàu dầu thô cỡ lớn.

Năm 2019, PVTrans Pacific đặt ra các mục tiêu kinh doanh khả thi, đầu tư nâng cao năng lực hoạt động để tiếp tục đưa công ty phát triển trong giai đoạn mới. Phóng viên TBTCVN đã có buổi trao đổi với ông Lê Mạnh Tuấn - Giám đốc công ty.

* PV: Thưa ông, được biết sắp tới PVTrans Pacific sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019, trước hết xin ông có thể điểm qua những kết quả hoạt động kinh doanh cơ bản của công ty đạt được trong năm 2018? So với kế hoạch ĐHCĐ 2018 đặt ra từ đầu năm thì tỷ lệ hoàn thành như thế nào?

- Ông Lê Mạnh Tuấn: Nhìn chung, kết quả kinh doanh năm 2018 của PVTrans Pacific là rất tốt so với nhiệm vụ được ĐHCĐ thông qua. Tất cả các chỉ tiêu, dịch vụ đều hoàn thành vượt mức cao.

tuan
Ông Lê Mạnh Tuấn

Cụ thể, chỉ tiêu tổng doanh thu được giao 1.180 tỷ đồng, kết quả thực hiện đạt 1.570 tỷ đồng, vượt 33%; lợi nhuận trước thuế chỉ tiêu được giao 100 tỷ đồng, kết quả thực hiện 231 tỷ đồng, vượt 232%; lợi nhuận sau thuế chỉ tiêu được giao 80 tỷ đồng, kết quả thực hiện được 181 tỷ đồng, vượt 227%; nộp ngân sách nhà nước dự kiến 35,6 tỷ đồng nhưng thực hiện 66,6 tỷ đồng, vượt 187%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ dự kiến 8,5% nhưng thực hiện 19%.

* PV: Đâu là yếu tố chính giúp công ty có được kết quả kinh doanh tích cực như vậy, thưa ông?

- Ông Lê Mạnh Tuấn: Theo tôi, đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố mang lại. Về yếu tố khách quan là có sự thuận lợi về mặt thị trường vận tải dầu thô cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là giá cước quốc tế tăng mạnh từ quý IV/2018. Trong năm, chúng tôi cũng thành công trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế và đặc biệt là mở rộng tham gia hoạt động vận tải dầu thô bằng tàu cỡ lớn VLCC. Ngoài ra yếu tố chi phí tài chính giảm mạnh so với dự kiến do biến động chênh lệch tỷ giá ngoại tệ thấp.

Về yếu tố chủ quan là tàu dầu thô của công ty được tổ chức khai thác hợp lý với tần suất hoạt động tối đa cùng với giá cước tốt. Trong năm công ty cũng thực hiện quản lý tốt về chi phí nên đã tiết kiệm được nhiều chi phí như chi phí sửa chữa tàu, chi phí nhiên liệu, vật tư phụ tùng trong sản xuất kinh doanh, chi phí quản lý công ty.

* PV: PVTrans Pacific được biết đến là một đơn vị mạnh trong lĩnh vực vận tải dầu thô. Kết quả kinh doanh năm 2018 cũng đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, giá cổ phiếu PVP của công ty trên thị trường lại đang được giao dịch ở mức khá thấp (dưới mệnh giá). Ông có thể chia sẻ góc nhìn của ông về thị giá cổ phiếu PVP hiện tại?

- Ông Lê Mạnh Tuấn: Quan điểm của ban lãnh đạo PVTrans Pacific là luôn nâng cao công tác quản lý quản trị doanh nghiệp, có trách nhiệm nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển mở rộng thị trường thị phần, gia tăng qui mô kinh doanh dịch vụ, khai thác tốt tài sản cùng với thực hiện tối ưu tiết kiệm chi phí để có kết quả hoạt động tốt nhất. Khi công ty có kết quả hoạt động kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao chính là yếu tố mang lại sức mạnh và nâng cao giá trị nội tại của công ty. Kết quả này cũng đồng thời kéo theo tỷ suất sinh lợi/vốn góp của các cổ đông tăng cao, đó là mục tiêu và nhiệm vụ của ban lãnh đạo công ty.

Còn về giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài quyết định của ban lãnh đạo công ty. Đó là phụ thuộc nhiều vào quan hệ cung cầu mua bán giữa các cổ đông với nhau để định giá trên thị trường, lợi thế so sánh sự hấp dẫn giữa các ngành nghề, mức độ đại chúng của công ty.

PVTrans Pacific là công ty cổ phần do các cổ đông lớn nắm giữ chủ yếu, như PVTrans nắm 64,92% vốn, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ PVI nắm 10,12%, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam nắm 12,73%, với tổng tỷ lệ lên đến gần 97%. Lượng còn lại thuộc sở hữu của cổ đông nhỏ lẻ, tỷ lệ rất thấp nên có phần hạn chế giao dịch và thanh khoản. Phần này Hội đồng quản trị của công ty cũng đang tìm giải pháp để tăng tính hấp dẫn và tính thanh khoản cổ phiếu công ty trong thời gian tới.

Ngoài ra, cũng còn có thể do PV Trans Pacific đã trải qua giai đoạn khó khăn và hai năm gần đây mới có kết quả kinh doanh khởi sắc đáng kể, đặc biệt năm 2018 là năm có tốc độ tăng trưởng mạnh như vậy, nên cũng cần có thêm thời gian để gia tăng sự hấp dẫn của cổ phiếu. Khi đó, thị giá PVP trên thị trường cũng sẽ được định giá ở mức hợp lý hơn.

* PV: Ngành kinh doanh vận tải đang có sự cạnh tranh khá mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Xin ông có thể cho biết, PVTrans Pacific đang có thế mạnh ở mảng kinh doanh nào, hay phân khúc thị trường nào của ngành nghề này?

- Ông Lê Mạnh Tuấn: Ngành kinh doanh vận tải nói chung và đặc biệt là ngành kinh doanh vận tải tàu biển nói riêng, trong đó ngành kinh doanh vận tải hàng lỏng cũng là lĩnh vực hiện nay có mức độ cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN trong cùng lĩnh vực và cả các thành phần DN bên ngoài. Bởi lĩnh vực hàng hải là lĩnh vực có rất nhiều thành phần kinh tế khác tham gia vào, nên sức cạnh tranh là khá khốc liệt.

Hiện tại, PVTrans Pacific là công ty có thế mạnh về kinh doanh tàu dầu thô cỡ lớn, chuyên về vận tải dầu thô nên đây là mặt mạnh nhất của PVTrans Pacific tại thị trường vận tải dầu thô trong nước. Công ty có yếu tố thuận lợi là được PVTrans giao chức năng thực hiện vận tải dầu thô duy nhất tại thị trường Việt Nam. Trong lĩnh vực này, công ty là đơn vị có thương hiệu, nổi tiếng, được nhiều khách hàng trong lĩnh vực vận tải dầu thô thế giới biết đến.

* PV: Xin ông có thể cho bạn đọc và cổ đông của PVTrans Pacific biết về định hướng phát triển trong thời gian tới của công ty? Ông có thể bật mí qua về những mục tiêu, kế hoạch chính của PVTrans Pacific đưa ra từ ĐHCĐ 2019 tới đây là gì, thưa ông?

- Ông Lê Mạnh Tuấn: Về các chỉ tiêu kinh doanh chính của năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, sau thuế 120 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 59,5 tỷ đồng... Các chỉ tiêu này dù thấp hơn mức thực hiện trong năm 2018 nhưng cũng cao hơn nhiều so với chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của năm 2018 trong điều kiện thị trường có nhiều diễn biến thách thức khó lường.

Còn về đầu tư, chúng tôi dự kiến sẽ mua 1 tàu lớn (khoảng 300 nghìn tấn) và mua thêm 1 tàu 105 nghìn tấn nữa để tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh quốc tế nhằm mang lợi nhuận nhiều hơn cho công ty cũng như cho cổ đông, đồng thời để phục vụ tốt hơn việc vận chuyển sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất và tham gia vận tải dầu thô cho NMLD Nghi Sơn.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Năm 2019, PVTrans Pacifi đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, sau thuế 120 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 59,5 tỷ đồng... Các chỉ tiêu này dù thấp hơn mức thực hiện trong năm 2018 nhưng cũng cao hơn nhiều so với chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của năm 2018 trong điều kiện thị trường có nhiều diễn biến thách thức khó lường.

Ông Lê Mạnh Tuấn - Giám đốc công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương

Đỗ Doãn (thực hiện)