Chọn phương án tăng trưởng cao để mở rộng quy mô nền kinh tế

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là vấn đề khó, với tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài tới 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước. Nếu chúng ta chậm, không cập nhật thì sẽ lạc hậu.

Bên cạnh đó Chủ tịch nước cũng cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để “đi tắt đón đầu”. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng thì mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng.

Về một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (trong 2 kịch bản tăng trưởng được đưa ra), vì chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện dự thảo chưa nêu rõ chi phí như thế nào để thực hiện các kịch bản, phát triển bền vững.

Nguồn: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đồ họa: Thế Dương

Nhấn mạnh quy hoạch phải khả thi, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh)lưu ý, phải làm rõ nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đừng “vẽ” như New York, Paris rồi không làm được. Đề cập các hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, cái nào cũng quan trọng nhưng cần thứ tự ưu tiên theo giai đoạn. Ngoài ra, quy hoạch nào chưa làm ngay, chưa đền bù cho người dân phải công bố rõ để cho người dân được quyền xây dựng, sửa chữa nhà cửa…

Quan tâm đến tính hiệu quả trong đầu tư, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phải chuyển hướng sang các vùng động lực tăng trưởng; đẩy mạnh hợp tác công - tư. “Đầu tư công hiện nay có hạn mà đầu tư còn dàn trải, không nuôi dưỡng được nguồn thu. Bây giờ phải chuyển hướng sang các vùng động lực tăng trưởng; đẩy mạnh hợp tác công - tư. Nhìn lại sân cỏ Mỹ Đình, rất đau xót. Nếu có sự hợp tác, liên doanh, giao khu vực tư quản lý khai thác thì có lẽ đã khác” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 27.000 - 32.000 USD khó khả thi

Băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu đến 2050 thu nhập bình quân đầu người là 27.000 - 32.000 USD, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) phân tích, theo quy định của Liên Hợp quốc, thu nhập của quốc gia trong khoảng 1.025 - 12.475 USD/người là ở mức trung bình. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, đến năm 2050 thu nhập là 27.000 - 32.000 USD/người, tức trong 20 năm thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 tới 32.000 USD.

Theo đại biểu, vượt qua bẫy trung bình đã khó, còn vượt xa như vậy là thách thức lớn. Bởi đặt ra được mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo; còn nếu mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn.

Tránh xây dựng kịch bản vượt quá khả năng nguồn lực đầu tư

Báo cáo của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia đề xuất 2 kịch bản phát triển, bao gồm: Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,26%/năm giai đoạn 2021-2025, 6,34%/năm giai đoạn 2026-2030, 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,49%/năm giai đoạn 2031-2050; Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,63%/năm giai đoạn 2021-2025, 7,48%/năm giai đoạn 2026-2030, đạt 7,05%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Tuy nhiên có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, tránh việc xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng cao vượt quá khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư, cần cân nhắc nghiên cứu, bổ sung “kịch bản trung bình” tối ưu nhất giữa hai kịch bản.

Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang), khi quy hoạch tổng thể đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế mức bình quân 7%, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD. Theo đại biểu, GDP bình quân đầu người hiện mới chỉ đạt hơn 4.000 USD. Nếu Việt Nam tăng trưởng kinh tế ở mức 7% thì GDP bình quân đầu người giai đoạn 2021-2030 chỉ khoảng hơn 6.000 USD. Như vậy, đại biểu đề nghị cơ quan lập quy hoạch tính toán lại trong tương quan tăng trưởng toàn nền kinh tế. Chỉ khi đánh giá kỹ thực trạng hiện nay thì mới có những giải pháp phù hợp, khắc phục được những điểm cản trở, đáp ứng được quy hoạch, không sẽ phải điều chỉnh lại, kế hoạch bị phá vỡ, đại biểu nói.

Đại biểu Trình Lam Sinh cũng lo ngại, quy hoạch nếu không cẩn thận sẽ là lực cản cho sự phát triển. "Các địa phương hiện nay rất năng động, sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ, vượt xa nhiều điểm trong này. Nếu còn băn khoăn thì nên tổ chức lấy ý kiến nhiều hơn, sâu hơn, nếu thông qua ngay đợt này sợ còn phải điều chỉnh" - đại biểu góp ý.

Tại đoàn Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia lần này giống như “sách trắng” của Chính phủ, trong đó đưa ra những khuyến cáo nhiều hơn là một bản quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu Trúc Anh thẳng thắn đánh giá, quy hoạch thiếu định lượng, thiếu những chương trình hành động, phương án cụ thể, dự án trọng điểm để hình thành hình dáng phát triển của đất nước đến năm 2050. “Các chỉ tiêu phải đưa ra cụ thể theo từng giai đoạn thì mới giám sát thực hiện được” - đại biểu đề nghị.

Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, văn hóa chưa được quan tâm như những lĩnh vực khác trong quy hoạch này. “Tại sao các chỉ tiêu cụ thể về phát triển văn hóa không đưa vào quy hoạch quốc gia, nhất là những chỉ tiêu phát triển hạ tầng văn hóa? Nên thêm định lượng về văn hóa để thấy văn hóa cũng được coi trọng như các lĩnh vực khác, tạo động lực cho phát triển bền vững” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói và nhấn mạnh, nếu quan tâm đến văn hóa thì quy hoạch tổng thể sẽ tốt hơn, phục vụ tốt cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo chương trình, sau khi được thảo luận tại hội trường vào sáng 7/1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia vào chiều 9/1, trong phiên bế mạc kỳ họp.

Cần có những giải pháp cụ thể về tài chính, nguồn lực

Theo Báo cáo về quy hoạch tổng thể quốc gia của Chính phủ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng).

Để huy động nguồn vốn đầu tư này, báo cáo đề xuất một số giải pháp cơ bản, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra cho rằng các giải pháp này đang thực hiện, chưa có giải pháp mới, đột phá. Do đó, đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch.

Đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, theo báo cáo quy hoạch: “Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư”. Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.

Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, báo cáo quy hoạch mới chỉ đưa ra một số yêu cầu sơ lược về nhu cầu tài chính cùng với những giải pháp huy động vốn đầu tư khá chung chung, đồng thời, cần làm rõ hơn nguồn lực cho các mục tiêu phát triển. Do đó, đề nghị bổ sung những giải pháp cụ thể hóa nhu cầu tài chính cũng như việc cân đối các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.