vbf

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng của các Bộ, ban ngành, cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự diễn đàn. Ảnh nguồn VGP/Nhật Bắc

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế đồng chủ tổ chức.

Diễn đàn lần này tập trung thảo luận một số chủ đề chính như: thương mại, du lịch và đầu tư; ngân hàng và thị trường vốn; cơ sở hạ tầng, thuế và hải quan, lao động và nguồn nhân lực, khoáng sản.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, khuyến nghị và phản hồi tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao cộng đồng DN đã đóng góp ý kiến xây dựng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp các ý kiến khuyến nghị và yêu cầu các bộ, ngành theo nhiệm vụ quản lý của mình có xử lý cụ thể với các khuyến nghị, nhằm mục tiêu tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nền kinh tế, cũng như trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, kết quả kinh tế - xã hội Việt Nam 5 tháng đầu năm đã phát triển tốt hơn, vững chắc và hiệu quả hơn so với 2014, đây là sự nỗ lực chung của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, nền kinh tế vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

“Chúng ta còn có thể làm tốt hơn nhưng vẫn còn yếu kém do hạn chế chủ quan từ quản lý điều hành. Vì thế mới có những khuyến nghị hôm nay”, Thủ tướng thừa nhận.

Thủ tướng khẳng định, thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy kết quả đạt được, làm tốt hơn, hiệu quả hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, ra sức khắc phục hạn chế khó khăn yếu kém, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào 5 giải pháp chính.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục quản lý điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt hơn, phấn đấu không quá 5% không chỉ cho năm 2015 mà cho cả những năm tiếp sau; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại tệ, đảm bảo bội chi năm 2015 là 5%, 5 năm tới (2016-2020) sẽ thấp hơn. Nợ công trong giới hạn an toàn, đảm bảo tái cơ cấu hiệu quả đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế…

Thứ hai là sẽ đảm bảo tăng xuất khẩu bình quân mỗi năm thêm 10-15%, nhập siêu không quá 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ sẽ chỉ đạo tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn sản xuất kinh doanh, đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, phấn đấu GPD tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 và trong 5 năm tới (2016-2020) từ 6,5 đến 7%/năm.

Thứ ba, sẽ chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan, Diễn đàn kinh tế Á - Âu… Đây là nền tảng quan trọng tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi không chỉ cho DN Việt Nam mà cả DN FDI.

Thứ tư, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị trị quốc gia, huy động nguồn lực nhà nước và xã hội. Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện, năng lượng; công khai minh bạch giá điện để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lĩnh vực này.

Cuối cùng là tập trung đào tạo tốt hơn nguồn nhân lực, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh DN./.

Khánh Linh