Đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về việc trang bị máy bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động

Sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Làm rõ sự phối hợp của cảnh sát cơ động với các lực lượng khác

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của cảnh sát cơ động được quy định quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ, tránh lạm quyền.

Giải trình nội dung này, Thường trực UBQPAN đánh giá, quy định về quyền hạn của cảnh sát cơ động được xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan và cơ bản kế thừa quy định của pháp lệnh hiện hành. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, dự thảo luật chỉ quy định các quyền hạn cần thiết nhằm bảo đảm cho cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất được giao. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực UBQPAN đã rà soát, chỉnh lý điều này như dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng khác và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương” tại khoản 3, vì không phải là nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động, không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố. Trên cơ sở ý kiến đại biểu, để chặt chẽ, rõ ràng hơn, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý khoản 3 như dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cảnh sát cơ động chỉ tham gia huấn luyện các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Tránh chồng chéo trong nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị rà soát lại để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác có liên quan, bảo đảm dễ thực hiện. Tiếp thu các ý kiến này, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những nhiệm vụ mang tính đặc thù đang thực hiện ổn định của cảnh sát cơ động trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ… thì cảnh sát cơ động chỉ tham gia phối hợp hoặc hỗ trợ các lực lượng khác khi có yêu cầu.

Về phối hợp giữa cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, một số đại biểu băn khoăn về vai trò chủ trì, phối hợp giữa cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ như đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, chủ trì việc cứu hộ, cứu nạn trên biển… và đề nghị rà soát đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành bảo đảm tính thống nhất.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu, để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng và dễ thực hiện, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho chỉnh lý lại tên điều này là “Phối hợp thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động”, chỉnh lý lại một số nội dung của Điều và bỏ khoản 5 như dự thảo tiếp thu, chỉnh lý.

Thiếu quy định cụ thể về biện pháp vũ trang

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao UBQPAN đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan có liên quan, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động tương đối đầy đủ, toàn diện.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ cảnh sát cơ động đặc biệt trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng cảnh sát cơ động. “Khi thực hiện các biện pháp vũ trang của lực lượng chức năng nói chung và lực lượng cảnh sát cơ động nói riêng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, … trong đó có cả trong nước và quốc tế. Do đó, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thảo luận về dự thảo luật, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Nhiều ý kiến đề nghị, cần giữ điều khoản về giải thích từ ngữ. Trong đó, cân nhắc quy định rõ về biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, biện pháp vũ trang là biện pháp vô cùng quan trọng, thuộc 1 trong 20 nhóm nhiệm vụ quyền hạn của công an nhân dân nói chung. Tuy nhiên, các luật có liên quan chưa có quy định cụ thể về biện pháp vũ trang. Bên cạnh đó, các văn bản dưới luật cũng chưa quy định thế nào là biện pháp vũ trang, trong khi đó thì dự thảo luật quy định cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội,…

Về phối hợp giữa cảnh sát cơ động và cơ quan tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung và việc chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ.

Nhấn mạnh việc thực hiện quyền hạn cảnh sát cơ động có liên quan nhiều đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền như trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài,…

Ngoài ra, đa số ý kiến phát biểu đồng tình với quy định về trách nhiệm của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước./.