Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đức Minh. |
Cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động
Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố.
Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội; có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước gồm cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không, đường sắt.
Trong đó, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được xác định là tam giác kinh tế động lực phía Bắc, thuận lợi trong gắn kết các địa phương trong vùng và với các địa phương khác trong cả nước cũng như với các quốc gia trong khu vực và thế giới; là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Được xác định vai trò là hạt nhân, là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ký kết các chương trình hợp tác, phát triển toàn diện với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và các địa phương trong khu vực để cùng tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển Vùng động lực phía Bắc.
Được sự quan tâm, định hướng của Trung ương, hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng đã được đầu tư xây dựng mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại góp phần khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối với trục cao tốc Lào Cai - Hà Nội thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, tạo ra vành đai giao thương quan trọng giữa các địa phương với các tỉnh của Trung Quốc và thế giới.
Đây là một mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm tạo sự liên kết vùng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn chỉnh tuyến kết nối Vùng động lực phía Bắc.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học uy tín và doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại diễn đàn. Ảnh: Đức Minh. |
Khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng
Với vai trò là 1 cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực, không ngừng phát triển và đạt được một số kết quả nổi bật.
Quy mô nền kinh tế của thành phố không ngừng được mở rộng, luôn duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong thời gian tới, một số dự án kết nối hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng sẽ tiếp tục được triển khai, hoàn thành như: Dự án cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10; dự án tuyến đường cao tốc ven biển nối 7 địa phương: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An tạo thành mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại. |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố luôn đạt ở mức cao, giai đoạn 2005 - 2019 bình quân tăng 10,8%/năm, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước. Năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng GRDP thành phố đạt 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước, là năm thứ 7 liên tiếp Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 14,56%, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước. Công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 đạt 53,68%.
Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2005 - 2023 tăng 15,1%. Năm 2022 đạt 168 triệu tấn, tăng gần 12% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng trung bình 23,72%/năm và đứng thứ 5 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn Hải Phòng năm 2022 đạt trên 108 nghìn tỷ đồng, vượt trên 18% dự toán Trung ương giao, vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng.
Môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính được xếp thứ nhất/63 tỉnh thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố được phát triển, khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Cho đến nay, thành phố đã có gần 8.000km đường bộ, tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2005 và 145 cây cầu, tăng gần gấp 2 lần năm 2005.
Hy vọng giải quyết những điểm nghẽn để phát triển Vùng động lực phía Bắc Ngoài ra, khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế; phát triển công nghiệp chưa đồng đều và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng chưa cao. Các khu công nghiệp còn thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Bên cạnh đó, quản lý đất đai, tài nguyên còn những hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại; đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu người lao động. Tại diễn đàn này, hy vọng những thách thức, những vấn đề nêu trên sẽ phần nào được giải đáp thông qua sự chia sẻ kinh nghiệm từ các lãnh đạo, các nhà quản lý, tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế. |