Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam nhân dịp năm mới, xuân Giáp Ngọ 2014.
* Xin Bộ trưởng cho biết một số thành tựu y học nổi bật đã đạt được trong năm 2013 của ngành Y tế?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Các thành tựu nổi bật phải kể đến việc lần đầu tiên ghép thành công tế bào gốc tạo máu đồng loại cho bệnh nhi bị ung thư máu ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; lần đầu tiên mổ nội soi thành công khối u ung thư qua lỗ tự nhiên tại Bệnh viện Trung ương Huế; phẫu thuật thành công ca tách hai bé song sinh có phần dính liền phức tạp tại Bệnh viện Nhi đồng 2; thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do các bác sỹ trong nước thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bên cạnh đó, ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương; thay đĩa đệm nhân tạo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức... là những thành công lớn nhất của ngành y tế năm 2013.
* Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện và vấn đề quản lý nhà nước về dịch vụ khám chữa bệnh đang là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước ta cũng như của dư luận xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết, năm 2014, ngành Y tế sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2014, Bộ Y tế sẽ tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện và vấn đề quản lý nhà nước về dịch vụ khám chữa bệnh bằng một số giải pháp mũi nhọn.
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đề xuất việc sửa đổi bổ sung một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với tình hình mới và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt đề án giảm quá tải bệnh viện, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh; mô hình phòng khám bác sỹ gia đình; chuyển giao kỹ thuật gói dịch vụ y tế theo đề án 1816; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, tập trung triển khai xây dựng một số bệnh viện tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tập trung giảm quá tải cho 5 chuyên khoa: tim mạch, ung bướu, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình.
Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện của các tuyến dựa trên tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế.
* Giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế luôn có mối quan hệ mật thiết, Bộ trưởng có thể cho biết đánh giá của mình trong mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa hai bộ thời gian qua?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành Y tế đạt được những thành tựu trên, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nhân viên Y tế còn có sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ tích cực của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính.
![]() |
Ứng dụng kỹ thuật cao trong chuẩn đoán và điều trị bệnh |
Sự liên kết, phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính vốn có truyền thống từ lâu, và ngày càng được Lãnh đạo hai Bộ quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Những hoạt động phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua có thể nói là hiệu quả, thiết thực và đã đạt được kết quả; nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực y tế đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoặc được liên Bộ Tài chính, Y tế ban hành.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, hỗ trợ Bộ Y tế về chuyên môn nghiệp vụ tài chính để sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn đầu tư cho lĩnh vực y tế.
* Với cương vị là “Tư lệnh” của ngành Y tế, xin Bộ trưởng có vài chia sẻ với độc giả cả nước nhân dịp đầu Xuân mới 2014?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới cán bộ, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam và bạn đọc, chúc quý vị một năm mới nhiều niềm vui và thành công.
Bệnh tật là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói, nhất là những gia đình người bệnh nghèo hoặc cận nghèo, thậm chí cả những gia đình khá giả, vì ngoài chi phí cho chữa bệnh, người bệnh còn mất sức khỏe, mất hoặc giảm cơ hội mưu sinh, mất thời gian và chi phí cho người nhà phục vụ... Sinh thời Hải Thượng Lãn Ông nói, mong người ta có sức khỏe, đừng bệnh, để mình có thể làm “ông già lười” .
Trong y học hiện đại, điều đó có nghĩa là hãy quan tâm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thực tế cho thấy nhiều người còn chưa quan tâm đến sức khỏe. Để có sức khỏe tốt, mọi người hãy tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình như: Ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm an toàn, tránh lạm dụng những chất béo, bia, rượu…; tập thể dục đều đặn hàng ngày; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện những vấn đề liên quan đến sức khỏe, kịp thời điều chỉnh hoặc chữa trị sớm nếu phát hiện có bệnh.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người, chúng ta bảo vệ và trân trọng vốn quý đó. Xin chúc quý độc giả của Thời báo Tài chính Việt Nam năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
* Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Tố Uyên