ADB: Phuc hoi xanh tai Dong Nam A co the thu hut 172 ty USD von dau tu hinh anh 1
Những tấm pin năng lượng Mặt Trời của Nhà máy điện Mặt Trời Gio Thành 1.

Báo cáo mới nhất của ADB xác định năm lĩnh vực hỗ trợ phục hồi sau COVID-19 thông qua phát triển xanh, đó là nông nghiệp tái tạo, đại dương xanh, phát triển đô thị bền vững và các mô hình giao thông, mô hình kinh tế và năng lượng tái tạo.

Trong tuyên bố ngày 6/7, Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á Ramesh Subramaniam cho biết báo cáo của ADB nêu bật các ưu tiên chính sách đối với các nền kinh tế trong khu vực để có thể giúp đảm bảo rằng cả mục tiêu kinh tế-xã hội và môi trường đều được đáp ứng trong quá trình phục hồi kinh tế.

Theo ông, các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích thêm các biện pháp kích thích xanh, thiết kế các chương trình định giá carbon, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và thu hút các nhà đầu tư khu vực tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, giao thông bền vững và đô thị sạch.

ADB cho biết phục hồi xanh sau dịch COVID-19 là rất quan trọng để đảm bảo một tương lai bền vững về kinh tế và môi trường, đồng thời lưu ý rằng nếu không có các hành động phối hợp để giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học gây ra, triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực có thể bị hạn chế.

Các lựa chọn chính sách khác được xác định trong báo cáo bao gồm tăng cường nghiên cứu về công nghệ xanh, khuyến khích các nữ doanh nhân tham gia vào các cơ hội kinh doanh xanh và quản lý đa dạng sinh học tốt hơn thông qua các hệ thống dữ liệu mở và tích hợp.

ADB cho biết để thực hiện phục hồi xanh, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á cũng cần xác định các nguồn tài chính bền vững sẽ tài trợ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thân thiện với khí hậu và tận dụng các cơ hội tăng trưởng xanh.

Theo báo cáo, các phương pháp tiếp cận tài chính nên bao gồm huy động các nguồn lực trong nước thông qua thuế môi trường và carbon, giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, huy động các nhà đầu tư tư nhân bằng cách giải quyết các rủi ro liên quan đến đầu tư xanh, tận dụng tài chính công và tư thông qua các quỹ xanh như ASEAN Catalytic Green Finance Facility.

Báo cáo cũng kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nền kinh tế láng giềng và quan hệ đối tác mới với các bên liên quan khác nhau để đảm bảo lợi ích tích lũy trong toàn khu vực.

ADB cam kết đạt được một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, linh hoạt và bền vững, đồng thời duy trì các nỗ lực xóa nghèo cùng cực./.