Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được cho là vựa trái cây của cả nước với nhiều loại “trái cây đặc sản” như: bưởi, xoài, măng cụt, thanh long…. Để phát triển và nhân rộng hơn nữa những loại “trái cây đặc sản” này, Agribank đã luôn đồng hành, sát cánh cùng các nhà vườn. Các dòng vốn của Agribank đã thực sự phát huy được tác dụng, giúp phát triển “cây đặc sản”, đưa bà con nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nhân rộng nhiều mô hình vườn “trái cây đặc sản”

Ông Đàm Văn Long, chủ vườn bưởi da xanh ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, những cán bộ xã An Khánh và cán bộ của Agribank luôn kề vai sát cánh giúp gia đình ông tháo gỡ khó khăn về vốn, về phương án sản xuất phát triển vườn cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình.

trái cây
Nguồn vốn của Agribank góp phần phát triển, nhân rộng nhiều vùng cây ăn quả đặc sản. Ảnh: V.T

Ông Long cho biết thêm, đến nay gia đình ông đang sở hữu khu vườn cây ăn quả rộng 4ha với hơn 2.000 gốc bưởi da xanh và nhiều loại cây trái khác. Có được kết quả trên, là nhờ có các dòng vốn và sự hỗ trợ từ Agribank. Cũng từ đó, kinh tế gia đình ông Long khá giả hơn.

Thành công từ vườn cây ăn quả của mình, tích lũy được kinh nghiệm, ông Long đã giúp nhiều hộ nông dân khác trong ấp, trong xã cùng phát triển vườn cây ăn quả, vươn lên làm giàu. Nhiều bà con xã An Khánh cũng trồng bưởi thành công, tạo thành một vùng bưởi đặc sản ở Bến Tre.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Ngọc Thiển - cán bộ chi nhánh Agribank huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, chị đã gắn bó với bà con nông dân vùng đất này mấy chục năm qua. Trong công việc, có những lúc cán bộ ngân hàng, cán bộ xã phải ngồi cùng bà con tính toán chuyện làm ăn của từng hộ, mong sao bà con có lãi và ngân hàng bảo toàn được vốn.

Tại tỉnh Vĩnh Long, khoai lang Bình Tân là loại đặc sản thơm ngon nổi tiếng. Trên 95% diện tích đất nông nghiệp của địa phương này được sử dụng để trồng khoai lang, ước sản lượng hàng năm đạt từ 300 - 400 ngàn tấn. Từ nguồn vốn Agribank đầu tư trồng khoai lang xuất khẩu, nhiều nông dân Bình Tân đã trở thành những nông dân triệu phú, tỷ phú.

Nhận định về những đóng góp của Agribank trên địa bàn, ông Trần Cảnh Tân - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết, tính đến nay, tổng dư nợ của riêng Agribank trên địa bàn xã đạt 110 tỷ đồng. Bà con thiếu vốn đến đâu được ngân hàng Agribank đáp ứng đến đấy. Nhờ có kỹ thuật của nông dân và vốn từ ngân hàng, bà con yên tâm triển khai sản xuất theo đúng phương hướng mà Ðảng ủy xã đã thống nhất.

Tổng dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt 128.473 tỷ đồng

Theo đại diện Agribank, khắp 13 tỉnh ĐBSCL, đâu đâu cũng nhắc đến hợp tác “3 nhà” (Nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp - Agribank). Nhiều vùng chuyên canh ở khu vực ĐBSCL được hình thành từ hợp tác “3 nhà”.

Cũng theo đại diện Agribank, tính đến nay, nguồn vốn huy động của Agribank tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đạt trên 116.753 tỷ đồng. Tổng dư nợ toàn vùng đạt 128.473 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 90%.

Bên cạnh đó, Agribank đang triển khai cho vay lãi suất ưu đãi thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm.

bưởi da xanh
Nguồn vốn của Agribank hỗ trợ tạo ra nhiều vùng chuyên cây trồng. Ảnh: Nhật Đăng

Gần đây, Agribank triển khai một số chính sách hỗ trợ ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp chịu thiệt hại và bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL. Có thể nói, thành công từ hợp tác “3 nhà” xuất phát từ việc cán bộ Agribank luôn bám sát chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của các địa phương…

Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các chi nhánh Agribank thường xuyên tham dự các cuộc họp HĐND, tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Qua đó, cán bộ ngân hàng tiếp thu ý kiến của đại biểu HÐND và kiến nghị của cử tri, đồng thời giải đáp những vấn đề liên quan như thủ tục vay, mức vay, thời hạn vay, điều kiện cho vay, cung cấp thông tin, chính sách mới của ngân hàng cho người dân.

Từ góp ý của người dân, các chi nhánh Agribank ở khu vực ĐBSCL đã tích cực phối hợp với các đoàn thể triển khai mô hình cho vay qua tổ vay vốn. Ðến nay Agribank đã thành lập được gần 2.000 tổ vay vốn với hơn 35 nghìn thành viên, chủ yếu thông qua hội nông dân. Ðược UBND tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ giúp đỡ bốn xã về đích nông thôn mới, Agribank Tiền Giang đã cùng các xã xác định nhu cầu vay vốn và cung cấp 252,7 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi cho bốn xã này. Nhờ có nguồn vốn lớn, các xã đã hoàn thành nhiều công trình, thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi.

Tại tỉnh Bạc Liêu, nguồn vốn của Agribank cũng góp phần thiết thực đưa huyện Phước Long (Bạc Liêu), một huyện thuần nông của tỉnh Bạc Liêu trở thành huyện nông thôn mới. Huyện đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, mô hình sản xuất kết hợp tôm cua, tôm cá, tôm lúa, trồng hoa màu…

Đánh giá về những đóng góp của Agribank, ông Phan Thành Đông - Phó Bí thư Huyện ủy Phước Long, tỉnh Bạc Liêu khẳng định, Agribank đã bám sát chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, bảo đảm lãi suất cho vay ổn định. Các chương trình, dự án hợp tác ba bên đã đem lại hiệu quả bền vững.

Với hệ thống vươn dài đến tận xã, Agribank hiện là ngân hàng có khả năng tiếp cận nông dân thuận lợi nhất, đứng đầu trong số các ngân hàng trong việc thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cán bộ tín dụng của Agribank không những nắm vững nghiệp vụ mà còn nắm chắc chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, hiểu được tâm tư, mong muốn của nông dân.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể ở khu vực ĐBSCL cũng đang làm tốt nhiệm vụ cầu nối, hướng dẫn, giúp đỡ người nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp; nhờ đó, hợp tác “3 nhà” vùng ĐBSCL trở nên thiết thực và đem lại hiệu quả bền vững./.

Văn Tuấn - Nhật Đăng