Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tập trung triển khai các giải pháp để nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả ở tất cả khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thu hút và khuyến khích hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội. Trong đó, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra, khai thác tài sản trí tuệ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm hướng tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh cử cán bộ có liên quan tham gia các lớp đào tạo cơ bản, nâng cao về sở hữu trí tuệ; 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ; tối thiểu 300 đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.

80% cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và thể thao đảm bảo thực thi quyền tác giả và quyền liên quan; có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 30 sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030
Các sản phẩm của huyện Châu Đức tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2022.

Theo đó, 29 sản phẩm từ 3 sao trở lên của 16 chủ thể OCOP tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 được công nhận. Trong đó, có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Như vậy, sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mang lại những bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh hiện đã có 50 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được gắn từ 3 - 5 sao.

Đến năm 2030, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và thể thao chấp hành tốt các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan; có ít nhất 15 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 50 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp, đó là, triển khai thực hiện chính sách, phát luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ; hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Sở Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch. Định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2022 -2025, tổng kết thực hiện đến năm 2030; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tăng cường công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao./.