toàn cảnh cuộc họp báo

Toàn cảnh cuộc họp báo chiều ngày 11/10/2017. Ảnh: Đức Minh

Thu chi ngân sách đảm bảo dự toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 77 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 843 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 9 ước đạt 57,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 9 tháng đạt 663,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67% dự toán năm, tăng 11,4% cùng kỳ năm 2016; riêng thu nội địa trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại và tiền bán bớt cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 519,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,4% dự toán năm, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 99,8 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 9 tháng đạt 870,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% dự toán năm, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2015.
Bội chi NSNN ước 9 tháng là 152,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 59,9% dự toán năm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện sát sao các nhiệm vụ thường xuyên như: thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, công tác quản lý tài sản công, hợp tác tài chính, quản lý nợ công…

Về tình hình huy động vốn cho NSNN, công tác phát hành trái phiếu Chính phủ đến hết ngày 30/9/2017 đã phát hành được 148.179,7 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 80,8% kế hoạch giao năm 2017.

Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã bám sát, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN, nợ công theo các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ được giao năm 2017. Nhờ đó công tác điều hành nhiệm vụ thu, chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường quản lý sử dụng tài sản công.

Hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 531,9 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 161,2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; qua đó đã phát hiện khoảng 12 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết; không chấp nhận thanh toán khoảng 47 tỷ đồng.

Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí an sinh xã hội đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2017 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, đã xuất cấp khoảng 109 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Áp dụng thống nhất về thuế đối với tất cả doanh nghiệp taxi

Tại cuộc họp báo, đại diện một số đơn vị chức năng đã trả lời phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến các nội dung về: thị trường chứng khoán, triển khai hóa đơn điện tử, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ bội chi ngân sách, chính sách thuế áp dụng đối với xăng dầu… đặc biệt, nhiều phóng viên đã có ý kiến xung quanh chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống.

Trả lời tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, liên quan đến chính sách thuế đối với Uber và Grab, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn số 11828/BTC-CST ngày 24/8/2016 gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công văn số 3166 /BTC-CST ngày 10/3/2017 trả lời Hiệp hội taxi TP. Hồ Chí Minh, công văn số 5471/BTC-CST ngày 27/4/2017 trả lời Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong những văn bản trên, Bộ Tài chính cho biết đã khẳng định chung nguyên tắc pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất đối với tất cả mọi doanh nghiệp, gồm: thống nhất về mức thuế suất, về điều kiện ưu đãi đầu tư, chế độ miễn giảm...

Cụ thể, doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai. Phương pháp tỷ lệ trên doanh thu tính thuế chỉ áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai, tổ chức không phải là doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab, Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không đáp ứng điều kiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 và điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 và Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan như sau: Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng là 2%.

Đối với tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) kinh doanh vận tải được thành lập theo quy định của pháp luật ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan).

Đối với cá nhân ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải thì nghĩa vụ thuế như sau: Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%; Tỷ lệ % để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên doanh thu được hưởng là 1,5%.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Grab, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 gửi cục thuế một số tỉnh, thành phố đang triển khai mô hình này hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber.

Đức Minh