LTN

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: H.Y

Đây là ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp chiều 12/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2018.

Không nên cắt giảm điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo điều hành trên tất cả các mặt để THTK, CLP. Đồng tình với nỗ lực cắt giảm ĐKKD, song Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lưu ý việc thực hiện cắt giảm ĐKKD có 2 mặt. Bên cạnh mặt tích cực, một số đơn vị chạy theo số lượng, cắt gộp cơ học các ĐKKD. Đặc biệt, với kinh doanh vận tải đường bộ, trước tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng, bà Lê Thị Nga đề nghị phải làm thắt chặt ĐKKD chứ không cắt giảm để đảm bảo an toàn giao thông.

Cũng trong lĩnh vực giao thông, bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện hình thức trạm thu phí không dừng để tiết kiệm thời gian cho người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện chính phủ điện tử, mà cụ thể là thực hiện liên thông dữ liệu giữa hai ngành công an và giao thông để quản lý chặt chẽ hơn việc cấp giấy phép lái xe.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận xét, các thông tin, số liệu tại báo cáo năm nay tốt hơn nhiều so với trước. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ báo cáo đã tập hợp thông tin rất đầy đủ, thiết kế báo cáo khoa học, dễ theo dõi. Nhìn chung, ý kiến của cử tri về THTK, CLP thời gian qua đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trên mọi mặt.

Bên cạnh đó, cử tri cũng có một số kiến nghị liên quan đến THTK, CLP. Cụ thể, cử tri băn khoăn khi nhiều công trình đầu tư bằng ngân sách, hoặc vốn ngân sách một phần đang "đắp chiếu", bỏ hoang. Đơn cử như công trình ký túc xá sinh viên 700 tỷ đồng bỏ hoang ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), hay khu ký túc xá sinh viên ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Quy mô dự án này là tạo chỗ ở cho 22.000 sinh viên, song đến nay mới chỉ lấp đầy 35%. Nếu có phương án khác để xử lý vấn đề này thì cũng nên công khai để người dân đỡ "xót ruột".

Ngoài ra, có những phản ánh, người dân vẫn "khát" nước bên cạnh công trình lãng phí tiền tỷ. Những dự án đó nhiều khi do không có nguồn nước, không có nguồn điện là do công tác khảo sát, điều hành chưa đảm bảo, báo cáo cần bổ sung thêm thực trạng này.

Giải ngân chậm cũng là lãng phí

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THTK, CLP vẫn còn tồn tại một số vấn đề như chậm triển khai các chương trình hành động, lượng hoá chỉ tiêu, địa phương chậm báo cáo. Chính phủ cần có chế tài để tránh tình trạng này lặp lại. Tình hình cổ phần hoá thời gian qua không đạt tiến độ, đặc biệt ở hai địa phương lớn có chính sách đặc thù là Hà Nội và TP.HCM công tác cổ phần hoá rất chậm.

Đặc biệt, ông Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý con số trong báo cáo là Bộ Tư pháp phát hiện có 157 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền; các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị xử lý 2.063 văn bản và UBND cấp tỉnh kiến nghị xử lý 8.502 văn bản. Như vậy, việc triển khai nhiều chính sách mới đã bị sai lệch.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng đề cập đến việc cử tri quan tâm vấn đề công khai, minh bạch trong huy động, sử dụng nguồn lực để xây dựng hạ tầng các cơ sở tôn giáo và đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về vấn đề này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết UBTVQH cơ bản thống nhất với 2 báo cáo đã đánh giá khá toàn diện mặt được, chưa được, hạn chế trong THTK, CLP năm qua. UBTVQH đánh giá công tác THTK, CLP trong cả lĩnh vực công và tư đều có chuyển biến hơn năm trước, điều hành của Chính phủ chuyển biến tích cực, thông thoáng, hạn chế tiêu cực.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, một số nơi chấp hành chưa tốt, chậm báo cáo, chậm chấm điểm về công tác THTK, CLP. Cá biệt có những địa phương chấm điểm ở mức 100% là điều không tưởng, vì như vậy là hoàn toàn không có tình trạng lãng phí.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc đề ra chính sách tốt nhưng chậm triển khai, triển khai chưa đúng, giải ngân chậm, cổ phần hoá chậm… cũng đều là sự lãng phí.

H.Y