Nâng cao tính khả thi của chính sách giá dịch vụ thủy lợi

Giá dịch vụ thủy lợi hiện chưa đảm bảo bù đắp đủ chi phí

Hệ thống công trình thủy lợi - một trong các trụ cột quan trọng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh khí hậu ngày càng có xu hướng bất thường.

Công tác quản lý dịch vụ thủy lợi theo hướng hiệu quả và bền vững đã và đang trở thành tâm điểm, với nhiều giải pháp, chính sách được ban hành và thực hiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và cạnh tranh giữa các ngành kinh tế sử dụng nước.

Đảm bảo tính đúng, tính đủ giá dịch vụ thủy lợi khi chuyển từ cơ chế phí sang giá
Đại diện các bên tham dự hội nghị

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (Nghị định 96), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng từ cơ chế phí sang cơ chế giá.

Sau hơn 5 năm thực hiện chuyển đổi từ cơ chế phí sang cơ chế giá dịch vụ thủy lợi theo Nghị định 96, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng phương án tối đa giá cụ thể từ khung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi thì giá dịch vụ thủy lợi chưa đảm bảo bù đắp đủ chi phí.

Hiện nay, Nhà nước đang hỗ trợ 100% tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất cây lương thực; để làm muối; và hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức để trồng rau, màu, mạ; cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông; cây ăn quả; hoa; cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản (trừ nuôi trồng tại hồ, đập, sông, suối, đầm...); chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Hoàng Hiệp, từ năm 2012 đến nay, mức hỗ trợ thủy lợi phí giữ nguyên không thay đổi trong khi các chi phí đầu vào gia tăng.

Theo thống kê, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là CPI đã tăng từ 1,5 đến 1,7 lần, trong khi đó, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ không thay đổi, gây khó khăn rất lớn cho ngành thủy lợi. Nguồn thu của các công ty thủy nông rất thấp, chi phí tối thiểu cho lương, cho bảo trì, sửa chữa hàng năm không đảm bảo, đời sống của cán bộ làm công tác thủy nông rất khó khăn, trừ một số đơn vị có nguồn thu khác từ cấp nước sinh hoạt, phát điện cho thủy điện….

Đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, thủy lợi là vấn đề chuyên ngành đặc thù, trong khi các sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo Luật Thủy lợi khá đa dạng, phục vụ đa mục tiêu. Vì vậy, khi xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, các đơn vị gặp nhiều khó khăn đòi hỏi có sự tính toán kỹ lưỡng.

Đảm bảo tính đúng, tính đủ giá dịch vụ thủy lợi khi chuyển từ cơ chế phí sang giá
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu tại hội nghị.

Việc định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi hiện nay tại Việt Nam được tiếp cận theo phương thức chi phí, bao gồm chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, khấu hao… Đây là những vấn đề hiện nay còn nhiều băn khoăn, đặc biệt là việc tính toán sao cho tính đúng, tính đủ các chi phí vào giá dịch vụ thủy lợi. Hiện nay, Bộ Tài chính cùng Bộ NN&PTNN đang cân nhắc, tính toán từ cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của ngành nông nghiệp, các địa phương.

Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, Luật Giá 2023 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2023 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, trong đó thẩm quyền định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi đã được sửa đổi, bổ sung căn bản so với quy định tại Luật Thủy lợi.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ định giá đối đa khung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNN, không định giá tối đa khung giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của các địa phương. UBND cấp tỉnh tự định giá cụ thể sản phẩm dịch vụ thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Do thẩm quyền định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi đã được sửa đổi bổ sung theo Luật Giá 2023 nên về trình tự định giá dịch vụ thủy lợi cũng cần phải được sửa đổi bổ sung cho phù hợp, gắn với thẩm quyền của các cấp và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan. Ngoài ra, một số nội dung về nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá tại Luật Giá 2023 đã có sửa đổi bổ sung so với Luật Giá 2012, vì vậy cũng cần phải sửa đổi cho phù hợp.

Hiện nay, việc thực hiện Nghị định 96 đang tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc, một số nội dung còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế. Để khắc phục tồn tại hạn chế và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Giá 2023, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNN sớm tháo gỡ và sửa đổi kịp thời những vướng mắc này.

“Cần đi vào thực sự cụ thể những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự ràng buộc của cơ chế chính sách khác… Tôi đề nghị 2 cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính là Cục Quản lý giá và Cục Kế hoạch tài chính phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNN sớm hoàn thiện trình dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 96 để tháo gỡ, sửa đổi kịp thời những vướng mắc về giá dịch vụ thủy lợi” - Thứ trưởng Lê Tấn Cận nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, việc sửa đổi Nghị định 96/2018/NĐ-CP cần hướng tới rõ ràng và đơn giản trong phương pháp xác định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đồng thời đảm bảo tính đúng đủ của chi phí trong quản lý vận hành. Cơ chế hỗ trợ tiền sử dụng nước cũng cần được đơn giản hóa, đảm bảo đúng đối tượng và khuyến khích nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.