Thông tư 33 bổ sung điều 5 về khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu để pháp lý hóa công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cụ thể, người khai hải quan khai xuất xứ hàng hóa tại ô “mô tả hàng hóa” trên tờ khai xuất khẩu điện tử theo mẫu số 2 Phụ lục I Thông tư 39/2018/TT-BTC theo cấu trúc: đáp ứng xuất xứ Việt Nam khai: “mô tả hàng hóa#&VN”; xuất xứ nước khác khai: “mô tả hàng hóa#& (mã nước xuất xứ của hàng hóa)”; không xác định được xuất xứ khai: “mô tả hàng hóa#&KXĐ”.

Về hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O), Thông tư 33 đã kế thừa một số quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: trường hợp áp dụng ưu đãi đặc biệt, C/O sử dụng chữ ký và con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O; cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cung cấp trang thông tin điện tử để tra cứu C/O hoặc phương thức tra cứu khác về C/O. Trường hợp khác, chấp nhận bản chụp/bản scan C/O để thông quan. Doanh nghiệp phải nộp lại một bản chính C/O trong 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Một điểm doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện Thông tư 33 là quy định từ chối tiếp nhận C/O. Thông tư không quy định bắt buộc phải khai nợ/chậm trên tờ khai mà người khai hải quan có thể nộp bổ sung C/O trong thời hạn quy định. Điều 14 Thông tư 33 quy định cơ quan hải quan từ chối tiếp nhận C/O trong trường hợp: người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quá thời; hàng hóa nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước xuất khẩu thông báo về việc hủy chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của nước xuất khẩu./.