Không thể bù lỗ vì gây sức ép lên ngân sách

Trong 3 năm qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, để phục vụ việc phòng, chống dịch, cũng như đáp ứng các yêu cầu khác nhằm cân đối vĩ mô, ổn định nền kinh tế của đất nước, hầu hết giá các nguyên, nhiên liệu, dịch vụ công của Nhà nước cung cấp đều được yêu cầu giữ bình ổn và không tăng giá. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi nền kinh tế đã trở về trạng thái “bình thường cũ”, thì việc tính đúng, tính đủ các chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực là đòi hỏi chính đáng và cần thiết.

Vì thế, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đã đến lúc cần phải xem tác động của giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, các chi phí sản xuất, chi phí vận tải… đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); từ đó, có thể xem xét mức điều chỉnh giá điện phù hợp. Bên cạnh việc tính toán tác động của tăng giá điện tới sản xuất và đời sống của người dân, thì cũng cần có cái nhìn khách quan đối với doanh nghiệp. Bởi thế, theo vị chuyên gia này, nếu không tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, sẽ gây nên những khoản lỗ rất lớn cho EVN. Điều này đứng về phương diện kinh tế thị trường là bất hợp lý.

Điều chỉnh giá điện phải bảo đảm được bù đắp chi phí cho ngành điện, nhưng đồng thời không tác động ảnh hưởng tới các đối tượng ưu tiên.
Điều chỉnh giá điện phải bảo đảm được bù đắp chi phí cho ngành điện, nhưng đồng thời không tác động ảnh hưởng tới các đối tượng ưu tiên.

Trong trường hợp vẫn giữ giá điện, ông Thịnh cho rằng, Chính phủ phải có biện pháp bù lỗ cho EVN, cũng như các ngành mà Nhà nước đang quản lý và điều hành giá cả. “Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực lớn lên chi tiêu ngân sách và cân bằng ngân sách nhà nước. Điều đó không theo đúng quy luật của kinh tế thị trường” - ông Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều hành, cần phải tôn trọng quy luật của nền kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và thực hiện các cam kết với các khu vực, quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Do đó, việc tính toán giá điện, cũng như giá các dịch vụ công, các mặt hàng do Nhà nước điều hành giá theo đầu vào của thị trường là một trong những đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Có thể chia lộ trình điều chỉnh giá điện thành 2 đợt

Có ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tác động của giá điện tới sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể chia lộ trình điều chỉnh giá điện thành 2 đợt và mỗi đợt điều chỉnh tăng 7 - 8%. Nếu tình hình những tháng cuối năm thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2. Đồng thời với việc điều chỉnh giá điện, các cơ quan chức năng cần triển khai quyết liệt các giải pháp để quản lý, bình ổn giá cả thị trường, hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện.

Đành rằng việc tăng giá điện là xu thế chung, song nếu tăng giá với lý do "giải cứu" EVN thì không thuyết phục bởi con số và nguyên nhân lỗ, lãi chưa tường minh, cần có đơn vị kiểm toán độc lập xác định các chi phí đầu vào, đầu ra, có nghĩa tăng giá điện cần nhất là sự công khai, minh bạch.

Chia sẻ lợi ích hài hòa, tránh điều hành giật cục

Tại cuộc làm việc với Bộ Công thương vào năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý bộ này cần sớm ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Do đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công thương phải "suy nghĩ thấu đáo" vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh điều hành "giật cục".

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng. Việc tăng giá điện là cấp bách lúc này, nhưng tăng thế nào các cơ quan quản lý cần tính toán kỹ để tránh sốc cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân thay thế quy định cũ. Chiến lược về mặt điều chỉnh giá điện phải đi kèm theo đối tượng tiêu dùng, như vậy vừa bảo đảm được bù đắp chi phí cho ngành điện, nhưng đồng thời không tác động ảnh hưởng tới các đối tượng ưu tiên, cần trợ giúp. Trước đây mỗi lần tăng giá điện, Quốc hội và Chính phủ đều yêu cầu tính toán thận trọng, ở mức độ, thời điểm, liều lượng phải đảm bảo phù hợp, đồng thời phải đồng bộ hóa các chính sách khác để bảo đảm không dồn dập tác động cùng một lúc đối với nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tránh điều hành vào quý I/2023 ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát

Với những tác động khi điều chỉnh tăng giá điện, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, cần triển khai những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, vấn đề lâu dài là chúng ta phải có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước. “Vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng 1%, 3% hay 5%... mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng" - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long cho rằng, năm 2023 không quá lo ngại khi điều hành lạm phát theo mục tiêu, nhưng trong điều hành cần thận trọng và tính toán việc tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh trong năm 2023 theo lộ trình sau khi đã giảm, hoặc giữ ổn định mấy năm qua, như: giá điện, nước, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế.

Theo Cục Quản lý giá, năm 2023 sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Giả định năm 2023 nếu CPI mỗi tháng so với tháng trước tăng với tỷ lệ đều nhau, thì CPI mỗi tháng có dư địa tăng khoảng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. Các kịch bản nêu trên xây dựng dựa trên cơ sở điều hành các mặt hàng do Nhà nước quản lý chủ yếu tăng vào quý III, IV. Nếu việc điều chỉnh các mặt hàng vào đầu năm, nhất là vào quý I có thể sẽ tác động làm CPI bình quân tăng cao hơn các kịch bản. Vì vậy, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá kiến nghị trong quý I chỉ xem xét điều chỉnh những mặt hàng đã có phương án giá đã đánh giá được tác động; trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến; cơ bản không xem xét điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá. Trong quý II thực hiện việc điều hành giá thận trọng tùy vào diễn biến CPI các tháng đầu năm. Quý III, IV/2023 trên cơ sở tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá thì xem xét điều chỉnh vào thời điểm thích hợp với mức độ phù hợp đảm bảo kiểm soát lạm phát mục tiêu.