hb

Các diễn giả tại buổi họp báo.

Nói về ý nghĩa của mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong chiến lược ngoại giao của Đức, ông Hans-Joerg Brunner cho rằng, quan hệ với Việt Nam là đặc biệt đối với nước Đức, có thể thấy rõ qua việc trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao.

Tháng 10 tới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Frank Walter Steinmeier sẽ sang thăm Việt Nam và tới tháng 11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ sang thăm Đức.

Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 10/2011. Nổi bật lên trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là những dự án “hải đăng” như: Ngôi nhà Đức, Trường Đại học Việt- Đức và tuyến đường sắt đô thị Metro số 2 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà Đức được bắt đầu xây dựng vào tháng 11/2014. Sau khi hoàn thành vào năm 2017, Ngôi nhà Đức sẽ là biểu tượng mới, nổi bật cho quan hệ song phương giữa hai nước. Còn Trường Đại học Việt- Đức sẽ đào tạo sinh viên Việt Nam theo tiêu chuẩn đào tạo của Đức.

Ông Hans-Joerg Brunner cho biết thêm, trao đổi thương mại giữa hai nước là rất tốt đẹp và đang được mở rộng. Đức hiện đứng thứ 16 trong số các quốc gia có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trong Liên minh châu Âu (EU), Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2014, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 7,8 tỷ USD, với tỷ trọng xuất siêu lớn của Việt Nam. Dự kiến năm 2015, tổng kim ngạch 2 bên sẽ tăng 10% so với năm 2014. Khi Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam được ký kết, quan hệ thương mại Việt- Đức sẽ tăng trưởng đáng kể.

Hiện có khoảng hơn 300 công ty Đức đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam. Họ tạo việc làm và góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn.

Vì vậy, năm ngoái, Đức đã chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị kinh tế châu Á- Thái Bình Dương, hội nghị kinh tế lớn nhất của giới kinh tế Đức tại nước ngoài, được tổ chức thường niên 2 năm/lần.

“Đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy các công ty Đức tin tưởng vào môi trường và triển vọng kinh tế tốt đẹp của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với giới doanh nghiệp Đức, Việt Nam là thị trường hấp dẫn”, ông Hans-Joerg Brunner nhấn mạnh.

Đức và Việt Nam cũng đã quyết định nâng cao chất lượng quan hệ đối tác chiến lược nhằm góp phần giúp Việt Nam tiến tới một nền kinh tế bền vững. Quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước sẽ tập trung vào mục tiêu chính là thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; nâng cao sức cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam thông qua đào tào nghề cho lao động, trong đó quan trọng nhất là mô hình đào tạo nghề song hành.

Các chương trình phát triển trong tương lai cũng sẽ bao gồm cả quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Đức và Việt Nam, cũng như với xã hội dân sự./.

Tin, ảnh: Vũ Luyện