giá dầu

Một cơ sở lọc dầu tại Nasiriyah, Iraq.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 27/9, giá dầu nối dài đà tăng từ tuần trước và chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Nhà phân tích về năng lượng tại công ty nghiên cứu Commerzbank Research (Đức) Carsten Fritsch nhận định thị trường dầu mỏ bị thắt chặt do nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế. Điều này có thể sẽ tiếp tục đẩy giá dầu lên. Một nguyên nhân quan trọng khiến nguồn cung dầu bị thắt chặt là tình trạng dừng hoạt động khai thác trên Vịnh Mexico vẫn tiếp tục.

Tuy nhiên, chuỗi năm phiên đi lên liên tiếp của giá dầu đã bị chặn lại trong phiên 28/9, sau khi giá “vàng đen” chạm mức 80 USD/thùng lần đầu tiên trong gần ba năm do các nhà đầu tư đổ xô chốt lời.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, các kho dự trữ dầu, xăng và các sản phẩm chưng cất của nước này đã tăng trong tuần trước. Sản lượng dầu của Mỹ tăng lên 11,1 triệu thùng/ngày, gần bằng với mức sản xuất trước khi cơn bão Ida ập đến khoảng một tháng trước.

Trong khi đó, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ cũng tăng 4,6 triệu thùng lên 418,5 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán giảm 1,7 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Điều này đã khiến giá dầu tiếp tục đi xuống.

OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, có khả năng sẽ vẫn tuân thủ thỏa thuận hiện có về việc tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11/2021 khi nhóm này họp vào tuần tới, bất chấp sức ép cần thêm nguồn cung từ người tiêu dùng. OPEC nhận định nhu cầu dầu dự báo sẽ tăng mạnh trong vài năm tới.

Ngày 28/9, OPEC cảnh báo rằng thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn sự gián đoạn nguồn cung ngay cả khi tổ chức này chuyển sang các dạng năng lượng ít gây ô nhiễm hơn.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết thị trường nhà ở suy yếu và tình trạng mất điện ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà giao dịch giữa lúc bất kỳ sự sụt giảm nào đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai sau Mỹ.

Phiên cuối tuần ngày 1/10, giá hai loại dầu chủ chốt này đồng loạt phục hồi, vượt ngưỡng 78 USD/thùng, được hỗ trợ bởi việc OPEC+ hạn chế nguồn cung, nhu cầu phục hồi và đồng USD suy yếu.

Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent tiến 1% lên 79,13 USD/thùng, hướng đến tuần tăng thứ tư liên tiếp. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cộng 0,9%, lên 75,71 USD/thùng và ghi nhận tuần tăng thứ sáu liên tiếp.

Dầu Brent đã tăng tới 50% kể từ đầu năm nay và leo lên đỉnh ba năm là 80,75 USD/thùng vào ngày 28/9.

OPEC+ đang đối mặt với sức ép từ những nhà tiêu dùng như Mỹ và Ấn Độ để tăng sản lượng nhằm giúp hạ giá dầu. OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 4/10 tới, giữa lúc nhóm này đang dần dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng kỷ lục đã thực hiện vào năm ngoái.

Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích tại Oanda, cho biết có khả năng cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/10 sẽ gây thất vọng về việc bổ sung thêm nguồn cung, với nguyên nhân một số thành viên không có khả năng tăng sản lượng và sự hấp dẫn của giá dầu cao để thúc đẩy doanh thu.

Đồng USD suy yếu cũng góp phần nâng đỡ giá dầu phiên cuối tuần, bởi nó làm dầu trở nên kém đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và phản ánh sự gia tăng nhu cầu tìm kiếm tài sản rủi ro của nhà đầu tư.

Giá dầu cũng đang được hỗ trợ khi giá khí tự nhiên tăng vọt trên toàn cầu đã khiến các nhà sản xuất điện năng chuyển hướng khỏi khí đốt. Các nhà máy phát điện ở Pakistan, Bangladesh và Trung Đông đã bắt đầu quá trình chuyển đổi nhiên liệu./.

Theo TTXVN