Giá gạo tăng, giảm ra sao trong quý III/2024?
Tính đến giữa tháng 6, giá xuất khẩu gạo tấm 5% của nước ta dao động ở mức 570 - 575 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn.Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường lúa gạo trong nước và thế giới quý II/2024?

Giá gạo tăng, giảm ra sao trong quý III/2024?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Trong quý II năm nay, thị trường gạo quốc tế ghi nhận những biến động mạnh và khó lường trong bối cảnh thời tiết thất thường đe dọa triển vọng nguồn cung toàn cầu. Tại Sở Giao dịch Chicago (CBOT), giá gạo thô đã tăng tới hơn 78 USD/tấn chỉ trong vòng 20 ngày cuối tháng 4. Kể từ đầu tháng 5 tới nay, dù đã hạ nhiệt nhưng giá gạo thô CBOT vẫn neo ở trên mức 330 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức đáy 285 USD/tấn được ghi nhận hồi đầu tháng 4.

Đối với thị trường trong nước, giá gạo cũng đã hạ nhiệt trong giai đoạn cuối quý và đã về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023. Điều này chủ yếu do giá xuất khẩu giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Giá gạo tấm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào ngày 6/6 đạt 13.521 đồng/kg, giảm 6,1% so với một tháng trước, nhưng vẫn cao hơn 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến giữa tháng 6, giá xuất khẩu gạo tấm 5% của nước ta dao động ở mức 570 - 575 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với một tháng trước và thấp hơn 55 USD/tấn so với đối thủ Thái Lan. Cùng thời điểm năm ngoái, giá gạo Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực và có thời điểm cao hơn 90 USD/tấn so với gạo từ Thái Lan.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng gần đây?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo thế giới biến động mạnh trong quý này là ảnh hưởng của thời tiết cực đoan do hiện tượng thời tiết El Nino mang lại cho khu vực Đông Á và Đông Nam Á, đây vốn là hai khu vực chiếm khoảng 90% diện tích trồng lúa toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của El Nino, thời tiết ở các khu vực nói trên thường nóng và khô hơn bình thường, đe dọa đến tiềm năng sản xuất gạo. Đáng chú ý, đợt lũ lụt lịch sử ở Brazil vào tháng 4 vừa qua đã tàn phá nặng nề vụ lúa của nhà sản xuất gạo lớn nhất Tây bán cầu này, gây thêm nhiều lo ngại về triển vọng nguồn cung gạo toàn cầu.

Bên cạnh đó, thị trường gạo thế giới vẫn chưa thể vượt qua cú sốc về nguồn cung do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ. Vào tháng 7/2023, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng non-basmati nhằm kiểm soát giá lương thực nội địa. Cho tới nay, lệnh cấm này vẫn chưa được dỡ bỏ và khiến cho nguồn cung gạo toàn cầu bị gián đoạn.

Ở Việt Nam, VFA cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta đã đặt giá thầu thấp, kéo theo giá gạo trong nước giảm theo. Trong phiên đấu thầu tháng 5 của Indonesia, mức giá trúng thầu của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn 57 - 65 USD/tấn so với giá trúng thầu của Pakistan và Myanmar vào khoảng 22,5 - 24 USD/tấn, so với giá xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

PV: Dự báo giá lúa gạo trong nước và thế giới quý III/2024 sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo dữ liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 1,83 triệu tấn sang Philippines trong 5 tháng đầu năm 2024, chiếm 45,5% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong giai đoạn này với trị giá hơn 1,14 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Philippines tăng 19,6% về lượng và 47,8% về trị giá. Những con số này cho thấy vai trò ngày càng tăng của Philippines đối với ngành xuất khẩu gạo của nước ta.

Chính phủ Philippines mới đây đã quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% hiện hành xuống còn 15%, có hiệu lực từ tháng 8/2024 tới năm 2028, một động thái nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát giá lương thực. Tôi cho rằng điều này có thể giúp hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong giai đoạn giữa và cuối quý III tăng tốc, nhưng đồng thời cũng có thể đẩy giá gạo trong nước tăng cao.

Đối với thị trường thế giới, theo tôi, giá gạo có thể sẽ hạ nhiệt vào quý tiếp theo do triển vọng sản xuất tương đối lạc quan ở Ấn Độ và Thái Lan, hai nhà cung cấp gạo lớn nhất toàn cầu. Ở Ấn Độ, mưa gió mùa dự kiến sẽ bao phủ các vùng nông nghiệp quan trọng của nước này trong thời gian tới, xoa dịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng vừa qua và cải thiện năng suất lúa tiềm năng.

Còn tại Thái Lan, chính phủ nước này gần đây đã phê duyệt khoản trợ cấp 30 tỷ Baht để hỗ trợ nông dân trồng lúa mua phân bón cho vụ mới. Gói hỗ trợ này có thể giúp Thái Lan hoàn thành hoặc thậm chí vượt qua mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2024.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam duy trì vị trí số 1 trong xuất khẩu gạo vào Philippines

Hiện các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam vẫn là Philippines, Indonesia, Malaysia, Ghana, Trung Quốc. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Thị trường này khá ưa chuộng các loại gạo Đài thơm 8 và 5451 của Việt Nam. Hiện nay gạo của Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía nam do ngon cơm và giá cả phù hợp.

Ngoài ra, Việt Nam đang có ưu thế hơn các quốc gia xuất khẩu gạo khác vào Philippines như Ấn Độ, Pakistan nhờ các Hiệp định thương mại tự do mà hai bên cùng tham gia như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam duy trì vị trí số 1 trong xuất khẩu gạo vào Philippines.