gt

Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Đến năm 2025, phấn đấu cả nước sẽ có khoảng 3.000km cao tốc.

Đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc mới

Theo Bộ GTVT, để hiện thực hóa mục tiêu này, trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành 871km cao tốc để đến năm 2025, cả nước có khoảng 2.950km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công mới khoảng 1.176km.

Các dự án bao gồm một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (hoàn thành 375km, khởi công 387km); khu vực phía Bắc đưa vào khai thác 2 tuyến dài 74km (Cửa khẩu Hữu Nghị - TP. Lạng Sơn, Chợ Mới - Bắc Kạn) và khởi công 4 tuyến cao tốc dài 337km (Vành đai 4 TP. Hà Nội, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai).

Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 139km (Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc) và khởi công tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong dài 105km; khu vực phía Nam hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 147km (Biên Hòa - Vũng Tàu, Chơn Thành - Đức Hòa) và khởi công 3 tuyến mới dài 194km (Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (HCM), TP. HCM - Mộc Bài, TP. HCM - Chơn Thành);

Riêng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành 3 tuyến dài 136km (Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Rạch Sỏi, An Hữu - Cao Lãnh) và khởi công 2 tuyến cao tốc dài 153km (Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng - Trần Đề).

Về quy mô đầu tư Bộ GTVT cho biết, giai đoạn hoàn thiện xây dựng đảm bảo quy mô theo quy hoạch 4 - 6 làn xe, một số đoạn cửa ngõ trung tâm kinh tế, đường vành đai đô thị lớn quy mô 6 - 8 làn xe. Trong giai đoạn phân kỳ sẽ lựa chọn quy mô đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn

Cũng theo Bộ GTVT, để hiện thực hóa chủ trương đến năm 2025 có khoảng 3.000 km cao tốc và phấn đấu thực hiện chủ trương có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 cần áp dụng linh hoạt các phương thức đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… Đặc biệt, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và sử dụng nguồn lực, nhất là thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc theo hình thức PPP.

Bên cạnh đó, các dự án cần tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư theo hình thức PPP, chỉ triển khai đầu tư công đối với một số dự án không thể triển khai theo hình thức PPP hoặc không hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án cao tốc đầu tư công, sau khi hoàn thành cần thiết phải thu phí để hoàn vốn Nhà nước, tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông.

Hiện tại, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng. Đối với nguồn NSNN, Chính phủ đã giao các địa phương cân đối nguồn, chủ trì thực hiện 37.168 tỷ đồng, ngân sách trung ương cần bố trí 182.355 tỷ đồng, trong đó đã cân đối được 138.000 tỷ đồng, đang còn thiếu khoảng 44.355 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn 2026 - 2030 khoảng 395.670 tỷ đồng, gồm: NSNN 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách sẽ sử dụng nguồn lực nhà nước phân bổ theo đầu tư công trung hạn, cân đối bổ sung từ nguồn vượt thu, nguồn dự phòng đầu tư công, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương. Đồng thời, cần sử dụng nguồn thu phí trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, các nguồn tài trợ, vay ưu đãi vốn ODA để đầu tư và cơ quan thẩm quyền xem xét tăng tỷ trọng nguồn vốn ngân sách cho lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.

Và nguồn vốn huy động, Chính phủ cần hình thành gói tín dụng để hỗ trợ vay vốn cho các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP và bổ sung các dự án đường bộ cao tốc vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định tại Nghị định 32/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước và mở rộng cho một số ngân hàng thương mại cổ phần. Khi đầu tư theo hình thức PPP cần lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu 15%, chủ động huy động các nguồn vốn vay…

Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền cần ban hành một số cơ chế, chính sách để thực hiện như: nâng mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên trên 50% tổng mức đầu tư dự án (Luật PPP quy định vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50%); kết hợp sử dụng nguồn ngân sách trung ương và địa phương…

Trí Dũng – Văn Nam