Chủ động xây dựng nhãn hiệu tập thể

Kiên Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể của địa phương. Đến nay có nhiều nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thẩm định cấp văn bằng bảo hộ.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cũng phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ, các sở ngành có liên quan, tổ chức các hoạt động hội thảo tư vấn về việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được bền vững.

Kiên Giang: Phát triển, bảo vệ nhãn hiệu tập để nâng cao giá trị hàng hoá
Sản phẩm OCOP của tỉnh Kiên Giang được quảng bá tại hội chợ hàng Việt diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2023. Ảnh: CTV

Hiện nay, có nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của Kiên Giang thông qua nhãn hiệu tập thể đã giúp người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, ổn định chất lượng, bán được giá, mang lợi nhuận về cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Liên minh hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cũng xác định, nhãn hiệu tập thể là phương thức hiệu quả để các hợp tác xã, các tổ chức đại diện nông dân, hội ngành nghề… quảng bá sản phẩm của tập thể ra thị trường, qua đó giúp từng thành viên phát triển sản phẩm của mình.

Hiện tại, tỉnh Kiên Giang có 475 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 366 hợp tác xã trồng trọt, 109 hợp tác xã thuỷ sản.

Đến nay, các hợp tác xã đã ý thức lợi ích của nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu tập thể có tên địa danh đi kèm khi gắn trên sản phẩm được coi là dấu hiệu đảm bảo về mặt chất lượng cho người tiêu dùng, vì danh tiếng về sản phẩm từ vùng địa danh đó đã được khẳng định theo thời gian, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.

Liên minh hợp tác xã tỉnh Kiên Giang căn cứ kế hoạch được phê duyệt hàng năm, phối hợp với ngành có liên quan hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các hợp tác xã, cụ thể như: hợp tác xã Rượu Đường Xuồng Kiên Giang, huyện Gò Quao; hợp tác xã Rượu Kinh 5, huyện Tân Hiệp và hợp tác xã Khoai lang Bông Súng, huyện Giồng Riềng...

Nỗ lực nhiều hơn để nhãn hiệu tập thể phát triển bền vững

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, bên cạnh những nhãn hiệu tập thể được phát triển tốt vẫn còn có một số ít nhãn hiệu đã xây dựng nhưng không thể phát triển được, mặc dù đã có nhiều sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Nguyên nhân dẫn đến nhiều nhãn hiệu tập thể địa phương không phát triển như mong muốn được các nhà khoa học tỉnh Kiên Giang chỉ ra, là do cả khách quan và chủ quan.

Đó là vùng nguyên liệu, canh tác, nuôi trồng, chế biến và sản xuất quá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khi có thương hiệu. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đa phần là nhỏ lẻ không đáp ứng được nhu cầu phân phối, tiêu thụ của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm có chất lượng, ngon nhưng thiếu doanh nghiệp thương mại nên không thể phát triển được.

Đặc biệt đáng lưu ý là nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa nắm bắt được một số quy định khi đưa sản phẩm hàng hóa ra lưu thông trên thị trường.

Cụ thể là các vấn đề phải đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, cấp giấy đủ điều kiện cơ sở sản xuất, khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, thiết kế nhãn mác, đăng ký độc quyền nhãn hiệu, kiểm nghiệm sản phẩm, tự công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, mã code, liên kết quảng cáo, trưng bày sản phẩm… Đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến không phát triển được nhãn hiệu trong thời gian qua.

Kiên Giang: Phát triển, bảo vệ nhãn hiệu tập để nâng cao giá trị hàng hoá

Nâng cao kiến thức về cách thức xây dựng nhãn hiệu tập thể và giá trị của việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Ảnh: CTV

Để phát triển bền vững nhãn hiệu tập thể trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong việc tuyên truyền, tranh thủ các nguồn từ kinh phí hỗ trợ từ các dự án của Trung ương và địa phương cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh.

Hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan đến việc đưa sản phẩm hàng hóa ra lưu thông trên thị trường, giới thiệu và trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu, hỗ trợ đăng tải sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể trên các website UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố và các sở ngành có liên quan.

Có sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức chuyên môn như Cục Sở hữu trí tuệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và ngoài nước trong việc giúp đỡ các hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình tiêu thụ hàng hoá trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ưu tiên xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chủ lực

Trong xây dựng nhãn hiệu tập thể, tỉnh Kiên Giang đã và đang ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực có qui mô lớn, có sức lan toả của tỉnh, được quy hoạch vùng nguyên liệu, đã xác định trong Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh như: Tôm, cua, trái cây các loại, khoai các loại, lúa chất lượng cao; cá Bớp Kiên Hải; khóm Tắc Cậu, khóm Ba Đình, khóm Gò Quao và hồ tiêu.