Chiều 3/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ để thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và cả năm 2022.

Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD

Tại cuộc họp báo, cung cấp thông tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ cho biết đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Năm 2023: Tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo chiều 3/1

Báo cáo và thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất, kinh tế xã hội nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Trong đó, Bộ trưởng Trần Văn Sơn điểm lại một số kết quả nổi bật như tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%), Hưng Yên (13,4%), Cần Thơ (12,6%), Thanh Hóa (12,5%), Hải Phòng (12,3%), Lâm Đồng (12,1%), Vĩnh Long (11,3%), Quảng Nam (11,2%), Hà Nam (10,8%), Quảng Ninh (10,3%) và Điện Biên (10,2%). Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu NSNN vượt 27,8% dự toán, tăng 392 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD…

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế, tồn tại cần tập trung ứng phó, khắc phục, xử lý một cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2023 và giai đoạn tới, trong đó nổi lên là: sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch còn chậm; các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực gặp khó khăn; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm; phản ứng chính sách của một số bộ, ngành để khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ còn chậm; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức…

Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản về chính sách hỗ trợ cho năm 2023

Tại cuộc họp báo, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội đang được quan tâm, trong đó việc liệu các chính sách miễn, giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có được tiếp tục trong năm 2023.

Năm 2023: Tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã được ban hành và thực thi. Chỉ tính riêng trong năm 2022, với các chính sách như giảm thuế GTGT, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất, giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu…, tổng mức hỗ trợ đã lên tới 233.000 tỷ đồng, là mức chưa từng có tiền lệ. Điều này đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tăng sức chống chịu, hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế.

Đối với năm 2023, dự kiến tình hình có cả những thuận lợi và khó khăn, thách thức, ngay từ những tháng cuối năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuẩn bị, nghiên cứu đề xuất một loạt các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có kiến nghị, báo cáo Chính phủ về việc xem xét quyết định giãn, hoãn thời gian nộp một số khoản thuế, đề xuất tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất, tiếp tục thực hiện việc giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu…

Về cơ bản, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các chính sách về thuế, phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023 sẽ tương tự các chính sách áp dụng trong năm 2022. Mặc dù có một số điều chỉnh như điều chỉnh về mặt hàng được giảm thuế, về mức giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu khác năm 2022, song Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định tinh thần là các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vẫn được duy trì. Đồng thời, các kịch bản khác cũng được chuẩn bị sẵn sàng nếu tình hình năm 2023 có những diễn biến mới, cần có sự tác động, hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Cùng với đó, Chính phủ cũng phối hợp điều hành nhịp nhàng chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo cân đối vĩ mô, ổn định và phát triển nền kinh tế.