gt

Dự án Mai Sơn - QL45 là 1 trong 9 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam thiếu hụt nguồn đất đắp.

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về vật liệu đắp, đảm bảo tiến độ và chất lượng của cao tốc Bắc – Nam, công trình trọng điểm quốc gia, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh công suất khai thác mỏ đất theo nhu cầu của dự án thành phần, trên địa bàn địa phương.

9/11 dự án thành phần vướng mắc về nguồn vật liệu đắp

Theo Bộ GTVT, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công) đã tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Tuy vậy, vẫn còn một số vướng mắc cần được xử lý sớm, đặc biệt là về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới.

Với những cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 60, các bên tham gia dự án đã thực hiện điều tra bổ sung 36 mỏ đất và cấp phép thêm 24 mỏ đất; đồng thời lược bớt 25 mỏ đất do nằm trong quy hoạch bị cấm khai thác hoặc chất lượng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (trong đó có 23 mỏ đã được cấp phép khai thác). Do vậy, số lượng mỏ đủ điều kiện khai thác/tổng số mỏ điều chỉnh từ 79/178 mỏ thành 80/189 mỏ; có 7/189 mỏ nâng công suất khai thác; nhưng chưa áp dụng quy định không đấu giá quyền khai thác, tức là chưa giao mỏ cho nhà thầu/nhà đầu tư…

Hiện nay vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới như: cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất, theo quy định của Luật Khoáng sản.

Theo đó, vẫn có 9/11 dự án thành phần qua địa bản 11 tỉnh vướng mắc về nguồn vật liệu đắp ở các mức độ khác nhau. Trong đó, các dự án thành phần cần giải quyết ngay, vì việc thiếu đất đắp nền đường sẽ dẫn tới chậm tiến độ, không giải ngân được vốn đầu tư công: Mai Sơn – quốc lộ (QL45), Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Các dự án thành phần còn thiếu vật liệu đắp nhưng chưa sử dụng ngay do mới khởi công hoặc đang lập thiết kế bản vẽ thi công: QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha rang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Bên cạnh đó, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 còn khoảng 10,5 km chưa bàn giao mặt bằng. Các tồn tại, vướng mắc chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông. Một số dự án còn vướng mắc cục bộ do khiếu kiện, tranh chấp, chủ hộ đang ở nước ngoài, người dân kiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường, tái lấn chiếm mặt bằng...

Giải quyết dứt điểm đảm bảo tiến độ

Theo Bộ GTVT, để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 8/7/2021.

Để giải quyết các tồn tại, vướng mắc về vật liệu đắp, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho Chính phủ cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh công suất khai thác các mỏ đất đắp nền đường, theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương đảm bảo về môi trường, vệ sinh, an toàn lao động; bỏ giới hạn nâng công suất khai thác không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác đối với các mỏ vật liệu có công suất ghi trong giấy phép khai thác. Sau khi cung cấp đủ vật liệu san lấp cho dự án thành phần trên địa bàn thì dừng việc nâng công suất; tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó.

Cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được cấp phép khai thác ngay mà không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác nêu trên đối với trường hợp cấp phép mới các mỏ khoáng sản VLXDTT phục vụ thi công dự án; tương tự khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần hướng dẫn các địa phương thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu vực khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp dự án.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần sớm có văn bản hướng dẫn về việc bù giá vật liệu theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tại Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 8/7/2021.

Và để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các địa phương cần hỗ trợ tiêm vắc-xin Covid-19 cho các cán bộ, công nhân thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn.

23 mỏ đã được cấp phép khai thác


Với những cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 60, các bên tham gia dự án đã thực hiện điều tra bổ sung 36 mỏ đất và cấp phép thêm 24 mỏ đất; đồng thời lược bớt 25 mỏ đất do nằm trong quy hoạch bị cấm khai thác hoặc chất lượng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (trong đó có 23 mỏ đã được cấp phép khai thác).

Trí Dũng