Khiếu nại gia tăng vì tín dụng đen, lừa đảo tài chính

Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương cho hay, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, khi nhu cầu tài chính của người dân tăng cao đột biến, đơn vị đã ghi nhận rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, trong lĩnh vực vay mượn, cầm cố, tài chính, tín dụng.

Thống kê sơ bộ của Bộ Công thương cho thấy, trên không gian mạng hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến thông qua website, qua các ứng dụng (app) trên điện thoại di động, trong số đó có nhiều app cho vay tiền không được cơ quan nhà nước quản lý, dẫn đến nhiều trường hợp người tiêu dùng bị “sập bẫy tín dụng đen”. Thực trạng này ngày càng phổ biến, gây nhức nhối trong xã hội.

Đáng chú ý là hiện nay, ngày càng có nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, hoặc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo, thậm chí xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ, cũng như chưa được trang bị kỹ năng tiêu dùng tài chính.

Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

Cũng theo ông Hồ Tùng Bách, tình trạng “sập bẫy tín dụng đen”, dẫn đến khiếu nại đã đến mức báo động, tăng nhanh qua các năm, cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Các hành vi lừa đảo diễn ra trên không gian mạng ngày càng tinh vi.

Năm 2020, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận hơn 1.500 vụ việc khiếu nại, trong đó, số lượng vụ khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng chiếm tỷ lệ gần 10%. Sang năm 2021, số lượng vụ việc khiếu nại về tài chính, ngân hàng gia tăng, chiếm 8% trong tổng số gần 2.600 vụ khiếu nại.

Nếu như năm 2020 chủ yếu khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến quá trình ký kết hợp đồng cho vay như: cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ; hình thức giao kết hợp đồng không đảm bảo đúng phát luật… thì đến năm 2021, nội dung khiếu nại lại liên quan đến việc thực hiện hợp đồng cho vay. Trong đó, nổi bật là các hành vi thu nợ, nhắc nợ kèm theo hành vi quấy rối, đe dọa, thậm chí là gọi điện thu nợ nhầm người không vay.

Kiên quyết xử lý các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện bức tranh bảo vệ người tiêu dùng tài chính vẫn có những khoảng trống nhất định, gồm: thiếu hụt về các quy định pháp lý chuyên ngành, thiếu hụt cơ chế giải quyết khiếu nại đặc thù và thiếu hụt cơ quan đầu mối chuyên trách để thực hiện việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, sự phát triển của không gian mạng với “muôn hình, vạn trạng” các ứng dụng, cùng rất nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh cho vay tài chính tiêu dùng khiến người tiêu dùng bối rối trước “ma trận” về dịch vụ này. Trong đó, người tiêu dùng luôn luôn là thế yếu, thế bị động. Do đó, quyền lợi người tiêu dùng thường bị xâm phạm.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, đến thời điểm này đang trong quá trình sửa đổi và sẽ trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 4 này.

Trong dự thảo luật đã thể hiện những quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến người tiêu dùng tài chính. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định mới, trong đó, nhấn mạnh về tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xây dựng và công bố công khai chính sách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của tổ chức cá nhân kinh doanh.

Hiện nay một số nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Australia, Nhật Bản,… đều chú trọng đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính, song Việt Nam chưa có cơ chế đặc thù. Điều đó cho thấy, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính phải song hành với sự phát triển của nền kinh tế, và Việt Nam trong thời gian sớm nhất cần tìm ra những giải pháp phù hợp để đảm bảo sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề pháp lý, ông Vũ Văn Trung cho rằng, hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang sửa đổi, trong đó có bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Bên cạnh việc hoàn thiện công cụ pháp lý, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát thị trường, kiên quyết có những biện pháp xử lý nghiêm những doanh nghiệp hoạt động không giấy phép, hoặc các doanh nghiệp có giấy phép nhưng cố tình làm sai, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Một số nước phát triển trên thế giới, họ có một số cách cụ thể để xử lý vấn đề này còn Việt Nam chưa làm được.

Để bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh việc cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, ông Hồ Tùng Bách góp ý thêm, việc tư vấn chủ động của hoạt động tài chính tiêu dùng rất quan trọng, bởi vì đôi lúc, trong hoàn cảnh cần vay tiền gấp, người tiêu dùng có thể bỏ qua việc tìm hiểu thông tin. Khi đó, nếu nhân viên tư vấn thể hiện sự nhiệt tình, chủ động trong việc tư vấn và cung cấp thông tin thì sẽ là một trong những biện pháp tốt nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của khách hàng, giúp khách hàng hiểu được và lựa chọn được gói vay phù hợp. Đồng thời, thông tin tích cực sẽ tránh được các rủi ro phát sinh mà người tiêu dùng không lường trước được do không hiểu đầy đủ và dẫn đến những hệ quả về sau.