Thời gian qua, các vụ việc xử lý vi phạm của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã có tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), niềm tin và thanh khoản của thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để kịp thời ổn định thị trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập các Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và thị trường TPDN.

Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm ổn định thị trường TPDN. Ảnh: T.L

Bộ Tài chính và các bộ, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong đó, Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tuyên truyền phổ biến chính sách về TPDN cho thị trường, đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và cập nhật thông tin về tình hình thị trường.

Từ năm 2019 đến hết quý I/2023, Bộ Tài chính đã thực hiện 11 thông cáo báo chí, trên 38 bài phỏng vấn, 106 bài báo, 13 bài phát thanh, 10 bài tham luận tại hội nghị, hội thảo và tổ chức 1 họp báo chuyên đề về TPDN.

Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản gửi doanh nghiệp phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu yêu cầu có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trường hợp có khó khăn trong cân đối nguồn chi trả, doanh nghiệp phải chủ động làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp.

Đồng thời, cơ quan quản lý khuyến nghị các tổ chức phát hành chủ động sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp và công bố thông tin cho nhà đầu tư yên tâm tiếp tục đầu tư đối với các trái phiếu có tình hình tốt.

Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Các vụ việc xử lý vi phạm của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã có tác động tiêu cực đến thị trường TPDN. Ảnh: T.L

Bộ Tài chính cũng đã làm việc với gần 40 doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sở giao dịch chứng khoán làm việc với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn đáo hạn trong năm 2022 và năm 2023 để đề nghị các doanh nghiệp thu xếp nguồn vốn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn, đảm bảo giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động cơ cấu tài chính

Trong bối cảnh tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản trên thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp phải chủ động thu xếp nguồn lực, cơ cấu lại tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN.

Theo đó trong năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng trong Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 12 doanh nghiệp phát hành, 27 công ty chứng khoán, 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, 16 doanh nghiệp kiểm toán và 15 doanh nghiệp thẩm định giá.

Tiếp đến, ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về TPDN riêng lẻ, trong đó cho phép doanh nghiệp phát hành đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm và nới lỏng một số điều kiện phát hành để giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng linh hoạt trong bối cảnh thị trường TPDN còn gặp khó khăn và đang lấy ý kiến rộng rãi công chúng để rà soát sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang tích cực triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, theo chủ trương của Chính phủ.

Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, chủ động giải quyết các vướng mắc về pháp lý đối với các dự án bất động sản đề doanh nghiệp sớm hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo việc thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần trang bị đầy đủ kiến thức

Về phía nhà đầu tư, cần lưu ý trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết về quy định của pháp luật về đầu tư TPDN, tiếp cận đầy đủ thông tin và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình; tránh việc đầu tư thiếu hiểu biết, gây thiệt hại cho chính bản thân nhà đầu tư và không được pháp luật bảo vệ./.