du

Du khách tìm hiểu sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX thổ cẩm người Dao đỏ. Ảnh: H.Q

Thiếu đầu tư bài bản

Nằm ở ngoại thành Hà Nội, trang trại đồng quê Ba Vì từ nhiều năm nay đã trở thành một điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn của người dân thủ đô và các tỉnh lân cận. Chủ trang trại, bà Ngô Kiều Oanh, cho biết: “Chúng tôi xây dựng bốn làng nghề, nghiên cứu sáu chủ đề từ đó làm ra các tour du lịch. Du khách tới đây sẽ được trải nghiệm trong một không gian văn hóa, một làng nghề nông nghiệp thực sự. Du khách có thể được bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô; cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn hay đi thăm những vườn chè, những cánh đồng ngô xanh bạt ngàn nằm ven sông... Ngoài ra, du khách còn được giao lưu hát múa, nhảy sạp với các đội văn nghệ của hai dân tộc thiểu số Mường, Dao”.

Vì không bị gò bó theo một chương trình khép kín hay đơn thuần là nghỉ dưỡng như đi tour truyền thống nên du lịch nông nghiệp được nhiều du khách cả trong nước và quốc tế mong chờ. Tuy nhiên, bà Oanh cũng thừa nhận để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, bà đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc thiếu các chính sách hỗ trợ du lịch nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, chúng ta có những tài nguyên, dư địa để phát triển du lịch nông nghiệp trên cả bốn góc độ về phong cảnh, môi trường, phương thức sống, phương thức canh tác, các sản phẩm nông nghiệp tạo ra. Mặc dù nhiều doanh nghiệp, địa phương bước đầu phát triển, đem lại hiệu quả nhưng vẫn mang nặng tính tự phát, dựa vào tự nhiên là chính mà chưa được bài bản trên góc độ sản phẩm và thị trường.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có hơn 70% người dân sinh sống ở nông thôn gắn bó chặt chẽ với việc sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước. Chưa kể tới việc có những vườn cây ăn trái, trại trạng lớn. Đây chính là tiềm năng để đẩy mạnh các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp. Việc phát triển này không chỉ giúp du lịch có thêm điểm đến mới hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, mà người nông dân cũng có thêm những nguồn thu, giá trị gia tăng rất lớn từ du lịch.

Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn các hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Hầu hết bà con nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách... Đặc biệt, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp.

Nhiều điểm du lịch nông nghiệp còn gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Cung không đủ cầu

Du lịch nông nghiệp bước đầu đã mang lại hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp, địa phương, từng bước giúp đời sống của bà con nông dân ổn định. Theo Sở Du lịch TP. HCM, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%; trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang được chú ý, đánh giá cao. Đặc biệt tại khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ, nơi tập trung nhiều vườn cây ăn quả lớn, mô hình tham quan miệt vườn đã đem lại hiệu ứng rất tích cực trong vài năm trở lại đây.

Tiềm năng là vậy, nhiều công ty du lịch cho biết, hiện nguồn cung không đủ cầu. Nhiều nông trại đã phải đón lượng khách lớn hơn rất nhiều so với năng lực của mình dẫn tới tình trạng quá tải khiến chất lượng dịch vụ chưa được như mong đợi. Bà Nguyễn Thị Hưng Thủy, Công ty du lịch Sài Gòn – Hà Nội cho biết: “Hiện nay, các mô hình trang trạng còn ít, do đó chỉ đón được khoảng 700 - 800 học sinh. Tuy nhiên, mùa cao điểm lượng khách thường tăng gấp đôi số lượng cho phép”.

Trước những hạn chế của việc phát triển du lịch nông nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đề xuất, cần có các chính sách hỗ trợ vốn cho người nông dân đầu tư vào nông nghiệp du lịch. Khi người nông dân hiểu rằng đầu tư mô hình du lịch trên chính cánh đồng của mình sẽ mạng lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, trồng hoa và có thể xóa đói giảm nghèo thì chắc chắn người nông dân sẽ thực hiện.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp du lịch như kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về các trang trại, miệt vườn, hoặc kết hợp với các khách sạn tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người nông dân.

Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn đề xuất phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đề án sẽ chú trọng đến một số hoạt động như chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực cho một số điểm du lịch nông nghiệp; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, bao bì mẫu mã thành hàng hóa phục vụ khách du lịch…/.

Hồng Quyên