Rõ trách nhiệm để quản chặt chẽ, minh bạch tiền công đức, tài trợ
Quản lý chặt chẽ, công khai nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích. Ảnh tư liệu

Số liệu thu chi tiền công đức mới chỉ phản ánh một phần

Thời gian qua, đã có các quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ. Công tác này đã đạt được một số kết quả nhất định. Hầu hết các địa phương đã xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích và phong tục, tập quán của địa phương. Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích đã được sử dụng công khai, minh bạch, không những cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách, mà còn đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ vẫn còn một số hạn chế. Số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích, kể cả di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Còn một số cơ sở di tích lịch sử - văn hóa chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ; chưa thực hiện lắp đặt camera để giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ. Vẫn tồn tại tình trạng du khách đặt nhiều loại tiền trên các ban thờ tại các di tích làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự. Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro để thất thoát, trộm cắp…

Trước tình hình trên, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có liên quan đều phải vào cuộc. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát văn bản, quy định của địa phương liên quan đến quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để ban hành Quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính.

Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Nếu không cẩn trọng có thể gây ra những hệ lụy khó lường

Quản lý tiền tài trợ, công đức đã dần đi vào nề nếp, nhất là sau khi Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn. Sau 1 năm thực hiện, mới đây Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực hiện trên cả nước.

Thu 4.100 tỷ đồng tiền công đức năm 2023

Tổng số tiền công đức thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng, trong đó nhiều tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng cho đến gần 700 tỷ đồng, là con số khá lớn so với trước đây.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có 49% di tích lịch sử-văn hóa (tương ứng 15.324 di tích thành phần) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng, trong đó nhiều tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng cho đến gần 700 tỷ đồng, là con số khá lớn so với trước đây.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh, suốt quá trình dài vừa qua, tiền công đức có được quản lý nhưng còn lơi lỏng. Trước đây, số tiền không lớn nên việc quản lý “không có gì quá ghê gớm”. Tuy nhiên, những năm gần đây, số tiền công đức lớn lên rất nhanh, khi không được quản lý chặt chẽ, một số cá nhân đã lợi dụng để xà xẻo, biến tiền này thành của riêng.

“Quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa ngày càng trở thành vấn đề lớn, nếu không cẩn trọng có thể gây ra những hệ lụy khó lường, vì tiền thường đi liền với nhiều thứ khác”, vị chuyên gia này nhận định.

Theo phân tích củaTS. Đinh Trọng Thịnh, trong quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, từ trước tới nay các địa phương vẫn có trách nhiệm, nhưng chưa có các yêu cầu quản lý chặt chẽ. Thông thường, các địa phương có cử người tham gia vào các ban quản lý các di tích, còn trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu, như thế nào, trách nhiệm của tỉnh, của huyện ra sao thì không rõ ràng. Do đó, các địa phương phải thể hiện rõ trách nhiệm.

“Nếu để thất thoát, lãng phí, người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, địa phương phải đẩy mạnh tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để xem thực tế tình hình thu chi, quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích ra sao, nếu phát hiện có vấn đề bất cập thì kịp thời đưa ra biện pháp xử lý…” - TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Không quản lý chặt, sẽ có tình trạng trộm cắp, trục lợi

Về công tác quản lý tiền công đức, tài trợ, trước năm 2023 chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý tiền công đức trong phạm vi cả nước. Do đó, một số địa phương ban hành văn bản quy định đối với các di tích trên địa bàn cấp tỉnh.

Một số địa phương ban hành văn bản áp dụng đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Còn lại đa số các địa phương không có văn bản quy định về hoạt động này. Việc quản lý chủ yếu là theo thông lệ, theo truyền thống và đặc điểm riêng của mỗi cơ sở di tích. Đây cũng là những tồn tại, hạn chế qua nhiều năm.

Trên thực tế có rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa tại các địa phương. Để phản ánh đầy đủ số tiền công đức, tài trợ là rất khó.

Tại các di tích là cơ sở tôn giáo, về cơ bản đều có hoạt động thu, chi tiền công đức, tài trợ nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo. Trong số này có nhiều chùa thuộc sở hữu chung của cộng đồng đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích không báo cáo.

Bên cạnh đó, tại các di tích là đền, chùa có đặt đĩa, đặt khay trên các ban thờ khiến du khách đặt nhiều loại tiền lộn xộn, không chỉ làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự mà có thể tạo điều kiện dẫn đến trộm cắp, "chôm chỉa".

Do đó, trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, huy động sự vào cuộc, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Các địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định. Từ đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân.