Được sử dụng chi thường xuyên để sửa chữa, cải tạo

Thời gian qua, nhiều bộ, địa phương và các đại biểu Quốc hội phản ánh về sự cần thiết sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) để xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình, hạng mục công trình trong hệ thống trụ sở các cơ quan nhà nước; các công trình phúc lợi xã hội như bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ sở giáo dục đào tạo.

Theo phản ánh, các công việc này phát sinh thường xuyên, không lường trước được, không kế hoạch hóa để bố trí từ vốn đầu tư công (ĐTC) trung hạn theo giai đoạn 5 năm. Hơn nữa, nếu các công việc này đều yêu cầu phải bố trí từ vốn ĐTC sẽ không kịp thời. Tuy vậy, vẫn có sự băn khoăn về cơ sở pháp lý, về sự áp dụng quy định pháp luật về Luật ĐTC, Luật NSNN.

Để tháo gỡ các vướng mắc, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có. Đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải thích quy định của Khoản 1 Điều 6 Luật ĐTC liên quan đến nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là cách hiểu khác nhau về quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật ĐTC.

Sắp có quy định sử dụng kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp công trình
Năm 2023 Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thí điểm sử dụng kinh phí thường xuyên. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã thống nhất trình xin ý kiến UBTVQH về giải thích làm rõ các quy định của pháp luật về sử dụng kinh phí NSNN nhiệm vụ xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công. Căn cứ nội dung trình của Chính phủ, UBTVQH đã có Thông báo số 3307/TB-TTKQH ( thông báo 3307) về kết luận của UBTVQH về giải thích quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật ĐTC.

Thông báo nêu rõ, Điều 6 của Luật ĐTC quy định việc phân loại dự án ĐTC theo tính chất của dự án (khoản 1) và theo mức độ quan trọng, quy mô của dự án (khoản 2) để làm căn cứ áp dụng các quy định pháp luật trong việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Điều 6 Luật ĐTC không quy định nhiệm vụ, khoản chi nào phải dùng vốn ĐTC, không quy định chỉ sử dụng vốn ĐTC để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc.

Do đó, UBTVQH khẳng định, Luật ĐTC, Luật NSNN và các luật có liên quan khác không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc. Kết luận của UBTVQH đã thống nhất nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị về vấn đề này. Tuy vậy, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay, UBTVQH giao Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung này.

Tạo hành lang pháp lý trong thực hiện

Thực hiện Thông báo 3307 của UBTVQH, phân công của Thủ tướng Chính phủ và để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, địa phương, cơ quan sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN thực hiện các dự án đầu tư xây dựng…, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định nội dung này.

Để kịp thời trình Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương có ý kiến tham gia vào một số nội dung cụ thể như sự cần thiết và căn cứ xây dựng nghị định.

Sắp có quy định sử dụng kinh phí chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp công trình

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị định cần quy định rõ một số nội dung cơ bản. Cụ thể, về khuôn khổ, đối tượng phạm vi điều chỉnh: Cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của NSNN để thực hiện các dự án có tổng mức đầu tư đến 15 tỷ đồng gồm xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở, dự án, công trình đã có; cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng.

Nếu trên 15 tỷ đồng phải đảm bảo các điều kiện (không có trong kế hoạch ĐTC trung hạn, không điều chỉnh, bổ sung được trong kế hoạch ĐTC trung hạn; thời gian thực hiện đảm bảo phù hợp với kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm và 5 năm).

Dự án khẩn cấp, cấp bách để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, phục vụ nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác nhưng không được bố trí từ nguồn vốn ĐTC ngay trong năm kế hoạch.

Đối với các nhiệm vụ, dự án trong lĩnh vực chi an ninh, quốc phòng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 165/2016/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2020/NĐ-CP) quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn thu khác (nguồn thu phí được để lại, thu sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập) khuyến khích áp dụng theo quy định tại nghị định này.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cần phải xây dựng tiêu chí phân định ranh giới giữa dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản, trang thiết bị, máy móc được sử dụng từ nguồn kinh phí ĐTC với các dự án được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Quy định rõ về căn cứ xác định nhiệm vụ, xây dựng dự toán kinh phí; quy trình thủ tục phê duyệt nhiệm vụ, dự toán kinh phí theo quy định của pháp luật về NSNN tránh trùng lặp đối với các quy trình đã thực hiện của dự án đầu tư.

Phân loại dự án đầu tư công

Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công quy định như sau: Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án. (a) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm (a) trên.