Đề xuất sửa 3 luật thuế quan trọng

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3/2024.

Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ ngành Tài chính giai đoạn 2024-2026
GDP quý I tăng vượt kịch bản đề ra góp phần hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ tài chính- NSNN. Ảnh: TL

Tháng 3/2024, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án được giao theo kế hoạch đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ.

Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 nghị định và 2 quyết định về lĩnh vực tài sản công, thuế, tín dụng..., gồm: Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Quyết định số 02/2024/QĐ-TTg bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phú, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành 18 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 17 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - NSNN.

Về việc nghiên cứu rà soát các luật thuế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Bộ đã có các công văn gửi Bộ Tư pháp bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2024. Trên cơ sở tổng hợp và báo cáo của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã có Tờ trình số 82/TTr-CP ngày 5/3/2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề nghị bổ sung 2 dự án luật là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (dự kiến Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV).

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác, Bộ đang tiếp tục đẩy nhanh nhằm đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Đối với Nghị định quy định về sử dụng chi thường xuyên NSNN để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, máy móc, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2241/BTC-HCSN ngày 1/3/2024 gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị có ý kiến đề xuất cụ thể về những bất cập, vướng mắc trong các quy định hiện hành, đề xuất phạm vi, nội dung chính sách cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để quy định tại dự thảo nghị định gửi Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các ý kiến, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Trung ương... từ đó, tiếp thu, hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành theo quy trình thủ tục rút gọn.

Đối với hướng dẫn thực hiện cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên NSNN theo quy định tại Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về dự thảo Tờ trình Chính phủ về cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên NSNN năm 2024. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Chính phủ.

Cân đối ngân sách được đảm bảo

Theo Bộ Tài chính, về cân đối NSNN trong quý I/2024, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Bộ Tài chính cho biết, trong quý I/2024, thu ngân sách ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023. Số thu quý I đạt khá so dự toán chủ yếu do đã tập trung thu các khoản phát sinh quý IV/2023 và chênh lệch theo quyết toán thuế năm 2023 như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng các đối tượng nộp theo quý, thuế thu nhập cá nhân... theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý I/2024.

Tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vững kỷ cương tài chính - ngân sách
Thu NSNN đảm bảo tiến độ dự toán. Ảnh: TL

Trong đó, riêng thu thuế thu nhập doanh nghiệp quý I/2024 đã thu (2/5 kỳ nộp thuế) đạt 45,5% dự toán, tăng 8,1% so cùng kỳ.

Hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 25%) so dự toán. Số thu trên địa bàn, ước tính có 29/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 30% dự toán; 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN quý I đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2023. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng 1.205,7 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống khi thực hiện phân giới cắm mốc biên giới; kinh phí phòng, chống dịch và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 3, giá các mặt hàng tương đối ổn định do nguồn cung vẫn khá dồi dào trong khi nhu cầu không cao. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng tăng giá nhẹ như thịt lợn hơi do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi hay LGP theo biến động của thị trường thế giới, bên cạnh đó cũng có mặt hàng giảm giá như giá gạo ở thị trường miền Nam.

Nhìn chung, trong quý I, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra.