Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/4/2022.

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu về số ca tử vong mới, với 216 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 186 ca và Nga 161 ca; Đức cũng dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 96.523 ca; Italy đứng thứ hai với 58.861 ca; tiếp theo là Pháp (52.919 ca).

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 83.010,337 người, trong đó có 1.020.470 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai với tổng cộng 43.073.973 ca nhiễm, bao gồm 523.753 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.433.042 ca bệnh và 663.410 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 190,8 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 147,78 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 98,3 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,78 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,89 triệu ca và châu Đại Dương 7,1 triệu ca nhiễm.

Nhật Bản, Australia phát hiện ca nhiễm biến thể phụ thứ tư của Omicron

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo vừa phát hiện một biến thể phụ mới của biến thể Omicron ở một bệnh nhân mắc COVID-19 đang sống tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc nước này.

Theo chính quyền chính quyền Sendai, bệnh nhân nhiễm biến thể phụ mới này đã được phát hiện mắc COVID-19 vào cuối tháng 3. Người bệnh không bị ốm nặng và đã hồi phục.

Cho đến nay, giới chức Nhật Bản vẫn chưa nắm rõ các đặc tính của biến thể phụ này, bao gồm cả độc lực và khả năng lây lan. Tuy nhiên, các quan chức của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) cho rằng sự tái tổ hợp gene có thể đã xảy ra khi một người nhiễm cả biến thể phụ BA.1 lẫn BA.2 bởi vì BA.2 đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản.

Cơ quan y tế bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 29/4 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 của Omicron tại bang này, là một người vừa từ Nam Phi trở về.

Số ca mắc COVID-19 đang tiếp tục gia tăng tại NSW - bang đã ghi nhận 11.903 ca mắc mới và 7 ca tử vong mới vào ngày 29/4. Trong số 1.645 ca đang phải điều trị trong bệnh viện, có 68 ca điều trị tích cực.

Theo ông James Wood, tại Đại học Y tế cộng đồng và dược phẩm của Đại học New South Wales, dường như hàng nghìn người Australia đã tái nhiễm sau khi các biến thể kết hợp với nhau. Ông dự báo: "Chúng ta sẽ chứng kiến những biến thể dòng phụ mới, khiến số ca nhiễm tăng tại Australia trong vài tháng tới".

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ.

Tải lượng virus không phản ánh khả năng lây nhiễm

Một nhóm nhà khoa học của Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) đã theo dõi xu hướng tăng giảm của tải lượng virus SARS-CoV-2 trong nước bọt và khoang mũi của người vừa nhiễm virus. Các nhà nghiên cứu đã thu được hình ảnh hoàn chỉnh, phân giải cao cho thấy cách thức virus SARS-CoV-2 nhân lên và phát tán trong thời gian lây nhiễm tự nhiên. Nghiên cứu đã hé lộ một số góc nhìn liên quan đến tình trạng nhiễm virus mà các nhà khoa học vẫn chưa nắm rõ, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và lĩnh vực sinh học.

Cảnh báo Nam Phi bước vào làn sóng thứ 5 sớm hơn dự kiến

Ngày 29/4, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cảnh báo nước này có thể bước vào làn sóng COVID-19 thứ 5 sớm hơn so với dự kiến sau khi số ca mắc mới trong 14 ngày qua tăng ở mức ổn định.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg ông Phaahla cho biết số ca nhập viện và tử vong tăng ở mức ổn định. Ở giai đoạn này, giới chức y tế chưa nhận được cảnh báo về bất cứ biến thể mới nào của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, ngoài những biến đổi của biến thể Omicron hiện đang chiếm ưu thế.

Cùng ngày, nhà khoa học Waasila Jassat thuộc Viện quốc gia Nam Phi về các bệnh truyền nhiễm (NICD) cho biết, đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy các biến thể phụ của Omicron gây bệnh nặng hơn đáng kể. Hiện Nam Phi không đối mặt với sức ép về nhu cầu giường bệnh và oxy y tế.

Nam Phi là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 nhiều nhất tại châu Phi. Đến nay, quốc gia này ghi nhận hơn 3,7 triệu ca mắc và hơn 100.000 ca tử vong.

COVID-19 thể nặng có liên hệ di truyền với các bệnh khác

Trong một nghiên cứu công bố ngày 28/4 trên tạp chí PLOS Genetics, các nhà khoa học phát hiện rằng COVID-19 thể nặng có mối liên hệ di truyền với các bệnh lý khác, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và tiểu đường- làm gia tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng do virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Người dân đi mua sắm tại khu vực Causeway Bay, ngày 23/4.

Thủ đô Trung Quốc tăng cường truy vết ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan

Ngày 29/4, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa nhiều phòng tập thể dục, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và phong tỏa các khu chung cư trong bối cảnh lực lượng chức năng tăng cường truy vết để khống chế đà lây lan của dịch COVID-19.

Quận Triều Dương, chiếm số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Bắc Kinh và là nơi đầu tiên tiến hành xét nghiệm hàng loạt trong tuần này, đã bắt đầu đợt xét nghiệm cuối cùng đối với 3,5 triệu cư dân. Hầu hết các quận khác cũng sẽ tiến hành xét nghiệm đợt 3 trong ngày 30/4.

Quận Triều Dương đã tăng cường các biện pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan sau khi tuyên bố nhiều khu vực lân cận có nguy cơ lây nhiễm.

Hơn 12 triệu cư dân Thượng Hải được nới lỏng hạn chế đi lại

Tại Thượng Hải, chính quyền địa phương cho biết khoảng 12,38 triệu cư dân thành phố, tương đương 50% dân số thành phố, ở những vùng có nguy cơ thấp hiện được phép ra khỏi nhà. Tính đến ngày 28/4, số cư dân sống trong các khu vực có nguy cơ cao bị phong tỏa còn 5,27 triệu người, giảm 6,6 triệu người kể từ lần điều chỉnh cuối cùng vào ngày 20/4. Giới chức y tế Thượng Hải cho biết số lượng người trong các khu vực bị phong tỏa và kiểm soát rõ ràng đã giảm.