Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 24/3 dao động giữa xanh và đỏ
Tài chính là một trong hai nhóm cổ phiếu giảm điểm trong phiên 24/3. Biểu đồ: Song Ngọc

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất 300 điểm nhưng đóng cửa tăng 132 điểm so với tham chiếu, tương đương 0,41%. S&P 500 và Nasdaq Composite kết phiên tăng lần lượt 0,56% và 0,3%.

Tính chung cả tuần qua, ba chỉ số chính đều đi lên. Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 và Nasdaq thêm tương ứng 1,4% và 1,6% trong tuần vừa qua.

Chứng chỉ quỹ ETF gồm các cổ phiếu ngân hàng khu vực SPDR S&P Regional Banking (KRE) tăng 3%, hỗ trợ đắc lực cho đà tăng của thị trường chung.

Cổ phiếu Deutsche Bank niêm yết trên sàn New York có lúc rớt 7% trong phiên 24/3 nhưng sau đó phục hồi một phần và khi đóng cửa chỉ còn giảm 3,11%. Cổ phiếu Deutsche Bank tại Đức có lúc lao dốc 15% nhưng kết phiên chỉ còn giảm 8,5%.

Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Đức này bị bán tháo sau khi chi phí hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) Deutsche Bank tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2018 dù không có một chất xúc tác rõ ràng nào.

Cuối tuần trước, các nhà chức trách Thụy Sỹ đã dàn xếp thương vụ ngân hàng lớn nhất nước là UBS thâu tóm ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse giữa bối cảnh Credit Suisse đang chìm trong khó khăn. Đầu tháng 3, hai ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã sụp đổ. Nhiều nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng tới Deutsche Bank.

Tại ngày cuối năm 2022, tổng tài sản của Signature Bank là 110 tỷ USD, Silicon Valley Bank là 210 tỷ USD, Credit Suisse khoảng 580 tỷ USD, UBS khoảng 1.100 tỷ USD, còn Deutsche Bank có quy mô lên tới 1.337 tỷ euro, tương đương 1.440 tỷ USD. Tác động của Deutsche Bank tới hệ thống tài chính toàn cầu lớn hơn các ngân hàng khác rất nhiều./.