Cải cách thể chế luôn là ưu tiên hàng đầu

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Ưu tiên cải cách thể chế để phục hồi phát triển kinh tế- xã hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Diễn đàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã có bài tham luận về “Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật – giải pháp quan trọng trong cải cách thể chế”.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, hoàn thiện thể chế là yêu cầu có tính tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của một quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa thể chế và phát triển. Trên thế giới, chưa có quốc gia nào (ngoại trừ một vài quốc gia quá giàu tài nguyên thiên nhiên) có thể vươn lên vị trí quốc gia có thu nhập cao mà không có thể chế kinh tế và chính trị mạnh. Mặc dù các quốc gia khác nhau có cách thức tổ chức kinh tế và chính trị không giống nhau, nhưng các dữ liệu nghiên cứu cho thấy rằng, có sự tương quan mật thiết giữa thứ hạng cao về chất lượng thể chế với sự thịnh vượng của một quốc gia.

Chỉ số môi trường kinh doanh chuyển biến rất tích cực

Trong những năm qua, các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của Việt Nam có những bước tiến rất tích cực. So với giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã tăng 20 bậc trên Bảng xếp hạng về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, tăng 10 bậc trên Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); tăng 17 bậc trên Bảng xếp hạng về Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Theo Ủy ban Pháp luật, đối với Việt Nam, cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Trong ba đột phá chiến lược phát triển bền vững đất nước được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoàn thiện đồng bộ thế chế phát triển tiếp tục được đặt ở vị trí đầu tiên.

“Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “thể chế”. Một cách tổng quát nhất, thể chế được hiểu là những “luật chơi” chính thức và phi chính thức ràng buộc các tương tác trong xã hội, định hình nên phương thức ứng xử của con người. Với cách hiểu này, xây dựng và thi hành pháp luật là hai yếu tố rất quan trọng, hình thành nên thể chế, nhất là đối với cấu phần “luật chơi” chính thức. Chính vì vậy, trong nhiều nghiên cứu, xây dựng và thi hành pháp luật luôn chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc của thể chế” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Thể chế hóa kịp thời, quyết đoán, sáng tạo trong khó khăn

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, những năm đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2026, công tác xây dựng và thi hành pháp luật tiếp tục có những đóng góp tích cực vào công tác cải cách và hoàn thiện thể chế. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn, trở ngại do tác động của điều kiện khách quan, đặc biệt là dịch bệnh Covdi-19, nhưng không những không bị tác động tiêu cực mà còn được đẩy mạnh hơn trước và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Theo đó, Nhà nước đã thể chế hóa một cách kịp thời, quyết đoán, sáng tạo, phù hợp thực tiễn các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Ưu tiên cải cách thể chế để phục hồi phát triển kinh tế- xã hội
Đại biểu tham dự diễn đàn.

Đồng thời, đã quyết liệt rà soát, khắc phục những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật để tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn”, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, đặc biệt là các điểm nghẽ về thể chế là một trong những giải pháp quan trọng được văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề cập.

Trong bối cảnh phải vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là hoạt động lập pháp của Quốc hội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp luật cũng còn có những hạn chế nhất định.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, đất nước ta sẽ từ nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, giai đoạn hiện nay là giai đoạn có tính lịch sử với rất nhiều thách thức. Thực tế đã chứng minh trong 50 năm qua chỉ một số ít nước có thể chuyển từ vị trí thu nhập trung bình lên vị trí thu nhập cao, trong đó cải cách thể chế đóng một vị trí rất quan trọng.

Do đó, để tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu nói trên, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần tiếp tục quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như: tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình lập pháp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản, sơ kết, tổng kết việc thi hành./.

Xây dựng thể chế để phục vụ phát triển

“Công tác lập pháp được đổi mới theo hướng chủ động, linh hoạt với phương châm Quốc hội hành động, xây dựng thể chế, pháp luật để phục vụ phát triển. Việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thi hành pháp luật được tăng cường” - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.