MTD

Đẩy nhanh giải ngân để thúc đẩy tăng trưởng

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã nghe và thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh một số ngành công nghiệp; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017; phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 (đợt 2); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông; tiếp tục kéo dài các chính sách phát triển giáo dục và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long;…

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội, các thành viên Chính phủ nhất trí tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 có nhiều thuận lợi. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,53% so với tháng 4/2017; thu hút FDI tăng trưởng tốt; dịch vụ, du lịch tăng; việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả… Thu NSNN tăng khá, 5 tháng đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất công nghiệp tăng 5,7%, thấp hơn cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; nông nghiệp còn khó khăn; nhập siêu lớn…

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về các giải pháp để thực hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ quyết liệt triển khai Chỉ thị 24 ngày 2/6/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp cụ thể phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân. Cùng với đó là kiên quyết xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là các ngân hàng 0 đồng hoặc bị kiểm soát đặc biệt, theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của cá nhân người gửi tiền theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra chặt chẽ tình hình phân bổ, giao vốn, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017 và 5 năm 2016-2020; không để tình trạng chậm giao vốn, chậm triển khai và giải ngân hoặc vi phạm các quy định về đầu tư công, nhất là ở các cấp cơ sở. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn công tác rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư tư nhân và FDI tại các địa phương, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân để thúc đẩy tăng trưởng.

Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt - Mỹ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông báo về các kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ thăm song phương Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Trong chuyến thăm, DN hai bên cũng đã ký kết 19 dự án hợp tác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo về các cam kết hợp tác giữa DN hai bên, cũng như quan điểm của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP, nhưng Việt Nam đã khẳng định điều này không ảnh hưởng gì đến quan hệ thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ vì chúng ta đã có nhiều FTA với các nước, với Cộng đồng châu Âu... Tiêu chuẩn và những nguyên tắc của những hiệp định này cũng bảo đảm cho vấn đề thương mại của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Hiện nay, các DN Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam là 835 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10,2 tỷ USD, với kim ngạch hai chiều khoảng 50 tỷ USD. Trong đó, chúng ta xuất siêu khoảng 30 tỷ USD. Bên cạnh các lợi thế như chính trị ổn định, bảo đảm các môi trường thể chế, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như Facebook, Google, GE, Coca-Cola cũng đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam.

BCT
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: VGP

Cũng về chủ đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm cho biết, chuyến đi có sự tham gia của 100 DN lớn của Việt Nam và sự hợp tác giữa cộng đồng DN hai nước là một thành công của chuyến đi này.

Bên cạnh con số trên 10 tỷ USD thoả thuận đã được ký giữa cộng đồng DN hai nước, chúng ta còn đặc biệt quan tâm đến khả năng Việt Nam có thể tiếp nhận những công nghệ hiện đại, chuyển giao công nghệ từ những DN hàng đầu của Hoa Kỳ với DN Việt Nam. DN Việt Nam cũng kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như thuỷ hải sản, dệt may, da giày cũng như một số mặt hàng khác. Trong chuyến đi, DN Việt Nam cũng đã ký kết nhập khẩu một số máy móc, thiết bị và kể cả chuyển giao công nghệ với số lượng tương đối lớn.

“Sau chuyến đi này, việc quan trọng là thực hiện những cam kết, những gì đã được ký kết trong chuyến đi. Chúng tôi khẳng định sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ cho cộng đồng DN cả hai nước thực hiện được đúng những điều mà hai bên đã ký kết”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

H.Y