EVFTA - Đặt ra nhiều cam kết về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý

Theo Bộ Công thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cùng với lợi ích gia tăng xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU từ các ưu đãi EVFTA. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, bị chiếm quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý với một số mặt hàng nông sản... Vì vậy, nắm vững cam kết EVFTA là vấn đề cốt lõi doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt.

Theo các chuyên gia kinh tế và sở hữu trí tuệ, với EVFTA vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA.

Thực thị EVFTA: Bảo vệ thương hiệu- Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ
Thực thi EVFTA: Bảo vệ thương hiệu - Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ. Ảnh: CTV

Chương 12 - Sở hữu trí tuệ của hiệp định này quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của hiệp định.

Lý do bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.

Các cam kết tại EVFTA góp phần giải quyết những lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu.

Còn về phía Việt Nam, thông qua hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Nội dung chính của Chương 12 bao gồm các cam kết về các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.

Nhìn chung, về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ EVFTA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ ở mức độ cao. Pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về nội dung này, thậm chí có quy định ở mức cao hơn so với quy định của TRIPS.

Tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ cao hơn WTO

Cũng theo Bộ Công thương, điểm quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là tại các cam kết trong EVFTA, EU đòi hỏi cao hơn cả WTO về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Thực thị EVFTA: Bảo vệ thương hiệu- Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ
EU có những quy định rất khắt khe về sở hữu trí tuệ. Ảnh: CTV

Theo EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ phải được minh bạch hóa hơn nữa, như phải công bố trên internet các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

Đối với nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, EVFTA có cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại trong số 8 đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng).

Đáng chú ý, EVFTA là hiệp định lần đầu tiên có quy định về cơ chế đền bù bằng cách gia hạn thời hạn bảo hộ cho chủ sở hữu độc quyền sáng chế nếu bị chậm trễ một cách bất hợp lý trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm (chẳng hạn quá 2 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép mà cơ quan quản lý dược phẩm không có phản hồi nào - Điều 12.40).

Quy định về việc công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý (rượu vang, rượu mạnh và các mặt hàng nông sản khác) của EU với mức bảo hộ cao - vốn chỉ dành riêng cho rượu vang, rượu mạnh và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho các sản phẩm khác nhau (Điều 12.25).

Đối với nhãn hiệu, độc quyền có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu sau ngày đăng ký, nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký (Điều 12.22). Đối với kiểu dáng công nghiệp, hình dáng của toàn bộ sản phẩm hoặc của một phần sản phẩm có thể tách rời và/hoặc không thể tách rời của bộ phận sản phẩm đều có khả năng được bảo hộ nếu pháp luật quốc gia cho phép (Điều 12.35), miễn là nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường (sử dụng bởi người sử dụng cuối cùng, không bao gồm việc bảo trì, cung cấp dịch vụ hoặc sửa chữa).

Về cơ bản, EVFTA đòi hỏi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải được xử lý nghiêm khắc hơn bằng các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền.

Đáng chú ý, các cam kết của Hiệp định EVFTA cao hơn các yêu cầu của WTO ở khía cạnh tăng quyền của tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan...

Nắm vững các tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý cam kết trong EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam phòng ngừa rủi rõ, bảo vệ quyền thương hiệu của sản phẩm, hàng hoá khi thâm nhập ngày càng sâu rộng tại thị trường các quốc gia EU.