Theo báo cáo về tình kinh tế - xã hội và thực hiện dự toán ngân sách 10 tháng năm 2013 của tỉnh, kinh tế tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng trưởng khá, nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp phục hồi và có bước tăng trưởng; các ngành dịch vụ phát triển, nhất là dịch vụ du lịch; văn hóa xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục ổn định; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai tích cực, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mof

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Hoạt động doanh nghiệp đã dần phục hồi. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, (giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 12.300 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012 và đạt 76% kế hoạch cả năm); Sản xuất nông nghiệp ổn định (Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 50 vạn tấn, tương đương năm 2012); chương trình xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai thực hiện, đến nay đã có 3 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận là xã nông thôn mới.

Dịch vụ có bước phát triển mới, đặc biệt là dịch vụ du lịch (khách du lịch đạt gần 4,2 triệu lượt, tăng 21%, doanh thu tăng 16,4%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 484 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Văn hoá - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 35%; tạo việc làm mới cho gần 12.000 lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được. Để thực hiện được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, với tinh thần chia sẻ với Chính phủ, Bộ Tài chính là một yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực cố găng rất lớn của tỉnh Ninh Bình.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Bình cần chủ động hơn nữa trong việc huy động nguồn lực tại địa phương. Chỉ đạo quyết liệt trong công tác điều hành thu - chi ngân sách, sử dụng nguồn lực tập trung, tránh sự dàn trải, lãng phí và mục tiêu là phải để người dân là đối tượng được thụ hưởng thực sự.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mof

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu những ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và đoàn công tác. Đối với một số kiến nghị quan trọng rất cần Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác quan tâm phối hợp tháo gỡ khó khăn như: đề nghị Trung ương bổ sung số vốn còn thiếu so với khối lượng thực hiện đến hết năm 2010 của các dự án thuộc Chương trình phân lũ, chậm lũ tỉnh Ninh Bình; một số dự án các công trình thuỷ lợi quan trọng của tỉnh; nguồn tạm ứng để xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An để đảm bảo các điều kiện trở thành Di sản Thiên nhiên và Văn hoá Thế giới vào năm 2014; nguồn kinh phí hỗ trợ thành phố Ninh Bình nâng cấp lên đô thị loại II vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thành phố Ninh Bình (30/6/1954-30/6/2014) và xây dựng thị xã Tam Điệp trở thành thành phố vào năm 2015; đặc biệt trong năm 2014, tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức Đại lễ Visak Liên hiệp quốc.

Đối với một số các nhóm kiến nghị của tỉnh, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, Bộ trưởng khẳng định Bộ Tài chính ghi nhận những kiến nghị, đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình để tiếp tục có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ninh Bình phát triển.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị tài chính địa phương cần tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện công tác tài chính – ngân sách, theo đó đối với cơ quan Thuế, Hải quan cần chú ý đến công tác thu NSNN, tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm để chống thất thu, tăng thu…; đối với cơ quan Kho bạc tỉnh, cần chú ý đến công tác chi ngân sách, trong đó đặc biệt lưu ý đến chi đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường giải ngân các nguồn đầu tư, thực hiện việc mua sắm tài sản công theo đúng chủ trương của Chính phủ… đảm bảo đúng chế độ chính sách quy định. Các đơn vị cần chú ý đến công tác giáo dục tư tưởng đối với cán bộ trong ngành và tuyệt đối không để xảy ra việc tiêu cực, gây trở ngại cho doanh nghiệp và nhân dân.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tài chính trong đó UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo rà soát lại về công tác thu NSNN; cần tranh thủ sự ủng hộ của nhiều nguồn vốn của doanh nghiệp, xã hội hoá, qua đó tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh và bền vững. Bộ Tài chính ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu, xem xét phối hợp với địa phương, và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành khác để báo cáo Thủ tướng Chính phủ những giải pháp hỗ trợ cho tỉnh Ninh Bình thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đoàn kết và quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ Tài chính tin tưởng tỉnh Ninh Bình sẽ có bước phát triển bền vững trong thời gian tới./.

Tài Tâm (Theo mof)