gạo xuất khẩu

Ảnh minh họa.

Theo nhận định của báo chí, Thái Lan có thể thấy tên của mình trong danh sách xem xét (watchlist) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Cơ quan này dự kiến sẽ có một báo cáo vào giữa năm nay, phân tích chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại và một báo cáo tương tự vào tháng 10 tới.

Trong báo cáo mới nhất, các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn trong danh sách xem xét như các báo cáo trước đó. Việt Nam và Malaysia cũng nằm trong số các nước có xuất siêu lớn sang Hoa Kỳ, khiến cho hai nước này cũng có thể trở thành mục tiêu. Teppei Ino, nhà phân tích cao cấp của chi nhánh Ngân hàng MUFG tại Singapore tin tưởng rằng, Thái Lan đã thỏa mãn toàn bộ các tiêu thức để đưa vào danh sách xem xét.

Có ba mức mà Hoa Kỳ dựa vào đó để đánh giá các đối tác thương mại và quyết định đưa họ vào danh sách xem xét. Thứ nhất, đó là quốc gia có thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD với Hoa Kỳ; thứ hai có thặng dư tài khoản vãng lai trên 3% GDP; thứ ba là có tổng số ngoại tệ đơn phương được mua trên 2% GDP.

Nếu hai trong ba các mức nêu trên bị vượt qua, Hoa Kỳ có thể đưa một quốc gia vào danh sách xem xét. Nếu cả ba mức bị vượt qua, một quốc gia sẽ được coi như một người điều khiển tiền tệ; do đó, Hoa Kỳ có thể tiến hành trừng phạt thương mại. Nhưng trước đó, Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các quốc gia này giảm bớt xuất siêu và hạn chế can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Năm 2017, xuất siêu của Thái Lan sang Hoa kỳ đã lần đầu tiên đạt mốc 20 tỷ USD, với sản phẩm chính là máy tính và phụ kiện máy tính tăng 9%, cao su và lốp ô tô tăng gần 30% qua các năm. Thặng dư tài khoản vãng lai là 10,8% GDP, cao hơn rất nhiều ngưỡng của Hoa Kỳ.

Thặng dư tài khoản vãng lai lớn đã tạo sức ép mạnh mẽ lên đồng baht. Dự trữ ngoại tệ của Thái Lan cuối 2017 là 202,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước. Sự tăng đột biến của dự trữ ngoại tệ được quy cho việc Ngân hàng Thái Lan thực hiện chính sách mua baht và bán đô la nhằm duy trì vị thế cạnh tranh của xuất khẩu quốc gia trên cơ sở đồng nội tệ yếu.

Bộ Tài chính Thái Lan không bình luận đối với vấn đề do báo chí nêu vì đây là “vấn đề nhạy cảm”. Nếu Thái Lan trở thành mục tiêu trừng phạt, thì đó là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên.

Các quốc gia Đông Nam Á khác dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng cũng có rủi ro trở thành mục tiêu của các biện pháp thương mại của Hoa kỳ. Việt Nam là quốc gia xuất siêu sang Hoa Kỳ lớn nhất (38,3 tỷ USD) trong năm 2017, dự trữ ngoại hối tăng 17% so với năm trước. Xuất siêu của Malaysia sang Hoa Kỳ là 24,5 tỷ USD, đã vượt ngưỡng và thặng dư tài khoản vãng lai là 3% GDP.

Hoa Kỳ đã bên bờ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc - quốc gia xuất siêu lớn nhất sang Hoa Kỳ (375,2 tỷ USD). Hoa Kỳ đã tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc vào vài tuần trước, dẫn đến sự trả đũa manh mẽ từ Bắc Kinh. Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á hoàn toàn có khả năng phải đối mặt với một hành động tương tự từ Hoa Kỳ. Khi đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ càng xấu đi./.

Giang Minh - Nhật Minh (Theo Nikkei Asian Review)