Nhà máy nhiệt điệt vận hành hơn 40 năm sẽ phải ngừng hoạt động

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại quyết định này, Chính phủ yêu cầu việc chuyển đổi nhiên liệu đối với các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐ) có thời gian vận hành trên 40 năm hoặc dừng hoạt động, nhằm giảm thiểu việc phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than-Cần giải pháp bền vững

Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 công suất 1.432 MW vừa được đưa vào vận hành trong quý III năm 2023. Ảnh: CTV

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, qua rà soát, đánh giá thực trạng, Bộ Công thương cho biết, nhà máy có thời gian vận hành lâu nhất tại nước ta là NMNĐ Ninh Bình công suất 100 MW (vận hành được 47 năm, từ năm 1976), nhà máy mới nhất đưa vào vận hành là NMNĐ Vân Phong 1 công suất 1.432 MW (quý III năm 2023).

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong số 33 NMNĐ đang hoạt động, có 10 nhà máy dùng công nghệ đốt lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) sử dụng than nội địa chất lượng thấp (cám 6 hoặc đuôi cám 6), 23 nhà máy dùng công nghệ than phun (PC) sử dụng than nội địa chất lượng tốt hơn (cám 5), than nhập bitum và á bitum với tổng công suất là 27.264 MW.

Liên quan đến công nghệ và đảm bảo môi trường của các NMNĐ, theo Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương, các nhà máy đều được trang bị các thiết bị xử lý khói thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, theo QCVN 22:2009/BTNMT và QCVN 05:2009/BTNMT.

Các dự án NMNĐ trước khi xây dựng đều được thẩm định thiết kế (cơ sở và thiết kế sau thiết kế cơ sở) và được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đáp ứng các yêu cầu quy định.

Tuy nhiên, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cũng chỉ ra hạn chế, về lượng tro, xỉ phát thải từ các NMNĐ phát sinh hàng năm ước khoảng trên 16 triệu tấn và lượng tiêu thụ đạt trên 14 triệu tấn/năm (đạt khoảng hơn 87% lượng phát thải, tăng rất nhiều qua các năm). Ngoài ra, còn lượng tồn tại các bãi lưu trữ dồn qua các năm là khoảng 48,4 triệu tấn.

Mặc dù trong thời gian qua, các NMNĐ đã có nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, đồng thời để đảm bảo đáp ứng được các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường của các NMNĐ.

Đặc biệt là về vấn đề tro, xỉ, các NMNĐ sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, do đặc thù công nghệ đá vôi được đốt cùng nhiên liệu than trong lò đốt để khử lưu huỳnh, vì vậy trong tro xỉ còn thành phần vôi, có tính giãn nở khi gặp ẩm nên khó tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng.

Lượng lớn tro xỉ từ các nhà máy này đang được lưu giữ tại bãi thải. Ngoài ra, một số nhà máy đặt tại các vị trí cách xa các khu vực tiêu thụ lớn (các đô thị, các nhà máy xi măng…), dẫn đến chi phí vận chuyển rất lớn, không đáp ứng được yêu cầu khả thi về mặt kinh tế.

Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

Để khắc phục những hạn chế của NMNĐ, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng.

Bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than-Cần giải pháp bền vững
Các NMNĐ được khuyến nghị tăng cường đầu tư công nghệ, hạn chế tối đa phát thải ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: CTV

Hiện Bộ Công thương đang xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch VIII), trong đó, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam nhằm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đồng thời, rà soát các nhà máy nhiệt điện than và xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu phù hợp với yêu cầu tại Quyết định 500/QĐ-TTg về quy hoạch điện lực quốc gia.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi các chính sách bảo vệ môi trường bao gồm: Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường; Quy chuẩn 22:2009/BTNMT - Quy chuẩn về khí thải công nghiệp nhiệt điện để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường; chỉ đạo các NMNĐ nghiên cứu, thí nghiệm việc pha trộn giữa than nội địa với than nhập khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế, an toàn và đảm bảo tốt hơn về môi trường như giảm lượng phát thải, tro xỉ, khí thải.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung huy động phát điện từ những NMNĐ mới có hiệu suất cao, đáp ứng tốt các yêu cầu bảo vệ môi trường; phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và các NMNĐ ban hành các cơ chế, chính sách để xử lý và tiêu thụ lượng tro, xỉ hiện nay, trong đó tăng cường sử dụng tro, xỉ cho các mục đích làm vật liệu san lấp, làm nền đường giao thông và các loại vật liệu xây dựng khác có giá trị gia tăng lớn hơn.