BH

Toàn cảnh hội nghị đối thoại. Ảnh: PV

Cuộc đối thoại được tổ chức nhằm tiếp thu các kiến nghị, đề xuất gỡ vướng, khắc phục khó khăn cho hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân, đồng thời cung cấp những cơ chế chính sách mới đến với các cơ sở y tế tư nhân.

Cơ sở KCB tư nhân có biểu hiện lạm dụng, trục lợi BHYT

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXHVN cho biết, chính sách BHYT triển khai thời gian qua đã đạt những thành tựu, kết quả tích cực. Góp phần mang lại những thành tựu này chính là khối y tế tư nhân.

Theo ông Sơn, cách đây 10 năm sự tham gia của khối cơ sở y tế tư nhân còn khiêm tốn, nhưng với sự khuyến khích của BHXHVN, hiện số cơ sở y tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo thị trường, lựa chọn khám chữa bệnh (KCB) của người bệnh.

Theo báo cáo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết quý I/2017, số lượt KCB y tế tư nhân là 4.226.854 lượt và chi phí KCB BHYT tại cơ sở y tế tư nhân là 1.591 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2017, số lượt KCB BHYT sẽ đạt trên 21 triệu lượt, tăng trên 30% so với năm 2016.

Tại các cơ sở KCB tư nhân, chi phí bình quân một đợt KCB ngoại trú là 384.528 đồng, chi bình quân một đợt điều trị nội trú là 3.584.312 đồng. Trong khi đó, chi phí bình quân của cả nước ngoại trú là 202.000 đồng, nội trú là 2.748.000 đồng.

Tuy nhiên, báo cáo của BHXHVN cũng chỉ ra, hiện đang có tình trạng một số cơ sở KCB tư nhân có biểu hiện lạm dụng và trục lợi BHYT. Tình trạng thu gom người bệnh, khuyến mại không thu phần chi phí cùng chi trả của người bệnh...

Một số cơ sở tư nhân chỉ định nhiều loại thuốc đắt tiền, chỉ định thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật (như nội soi tai mũi họng, chụp CT…) đối với người có thẻ BHYT ở nơi khác đến KCB, nhằm thu hút người có thẻ BHYT đến KCB.

Nhiều bệnh viện tư nhân trước kia đề nghị được xếp tương đương hạng II để được thanh toán tiền khám bệnh, tiền ngày giường bệnh ở mức giá cao, khi thực hiện chính sách KCB BHYT thông tuyến thì lại đề nghị xuống tương đương hạng III (tuyến huyện) để được KCB mà không có sự thay đổi về nhân lực, cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ kỹ thuật.

Ngoài ra, khi thực hiện chương trình KCB nhân đạo đã được các cá nhân, tổ chức tài trợ (các cá nhân, tổ chức đi thu gom người bệnh, tài trợ tiền tàu xe đi lại, tiền KCB...) nhưng cơ sở KCB tư nhân vẫn thống kê đề nghị thanh toán BHYT (theo chế độ trái tuyến).

Khối y tế tư nhân "đối mặt" nhiều rào cản cơ chế, chính sách

Về phía Hiệp hội Bệnh viện tư nhân báo cáo, hiện cả nước có hơn 200 bệnh viện tư nhân, chiếm hơn 10% tỷ lệ giường bệnh. Sự ra đời của các cơ sở KCB tư nhân góp phần giảm tải cho bệnh viện nhà nước, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, Hiệp hội này cho rằng, vai trò, vị trí của y tế tư nhân chưa được đánh giá, nhìn nhận khách quan từ phía cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến sự bất bình đẳng đối với khối y tế tư nhân.

Lý giải cho điều này, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ cho biết, bệnh viện nhà nước ở tuyến dưới gần như không chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Rất ít bệnh viện tư nhân được hỗ trợ từ đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB. Bệnh viện nhà nước tuyến huyện được xếp hạng II nhưng vẫn được thông tuyến KCB BHYT, nhưng bệnh viện tư nhân phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương hạng II lại xếp tuyến tỉnh nên không được thông tuyến…

“Một số chính sách khuyến khích đầu tư y tế tư nhân theo chủ trương xã hội hóa những năm gần đây không còn được quan tâm. Đặc biệt, đầu tư bệnh viện tư nhân không còn nằm trong danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư. Các ưu đãi về mặt bằng, tiền sử dụng đất không còn được thực hiện theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội hóa”, ông Đệ nêu.

Ông Đệ phân tích nguyên nhân do hệ thống y tế tư nhân ở Việt Nam hình thành muộn, cạnh tranh không bình đẳng, phải đối mặt với nhiều rào cản về cơ chế, chính sách, do đó quá trình hoạt động còn tồn tại nhiều hạn chế.

Các cơ sở KCB tư nhân luôn bị đánh giá, nhìn nhận trong tương quan so sánh với cơ sở KCB nhà nước như chữa bệnh tư nhân thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu nhân lực trình độ cao nên không thu hút được bệnh nhân, không sử dụng hết công suất giường bệnh, một số bệnh viện phá sản, gây lãng phí đầu tư…

Theo ông Đệ, đó là những quan điểm so sánh không thỏa đáng. Ông cho rằng, hiện tượng một số bệnh viện tư nhân chưa sử dụng hết công suất có nguyên nhân chủ yếu từ những rào cản về cơ chế chính sách.

Ông Đệ lý giải, có thể kiểm chứng điều này từ chính sách thông tuyến KCB BHYT từ 1/1/2016 đến nay. Hiệp hội đã thống kê sở bộ năm 2016, 100% các bệnh viện, cơ sở KCB hội viên được thông tuyến có số lượng người đến KCB gia tăng đột biến, 70% trong số đó gia tăng hơn 200% so với năm 2015, nhiều cơ sở quá tải.

“Như vậy, có thể thấy, không phải các cơ sở KCB tư nhân không đủ năng lực, trình độ để thu hút người bệnh mà do rào cản từ cơ chế, chính sách”, ông Đệ nhấn mạnh.

Qua những bất cập trong hoạt động y tế tư nhân, đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần đánh giá lại vai trò, vị trí của y tế tư nhân sau gần 20 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa; đồng thời, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp, khuyến khích y tế tư nhân phát triển./.

H.M