hiep hoi bds vn

Phó Chủ tịch VNREA Phan Hữu Thắng: Nhận diện xu thế sở hữu BĐS góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật BĐS. Ảnh Đ.Doãn

Ngày 16/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA) phối hợp với VTV24 và Diễn đàn đầu tư BizLIVE tổ chức hội thảo “Xu thế sở hữu BĐS: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”. Sự kiện thu hút khá nhiều chuyên gia, giới đầu tư, đại diện các thành phần liên quan đến thị trường BĐS cùng nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS tham dự.

Hướng tới hoàn thiện pháp luật về bất động sản

Phát biểu khai mạc, TS. Phan Hữu Thắng – Phó Chủ tịch VNREA khẳng định, thị trường BĐS có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, có quan hệ và ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các ngành, lĩnh vực, bởi nếu thị trường này phát triển tốt sẽ tạo ra động lực phát triển chung, nhưng ngược lại sẽ tác động xấu tới hiệu quả và sự phát triển của các thị trường khác như tài chính – tiền tệ, chứng khoán, xây dựng, lao động… cũng như đối với tình hình xã hội và đời sống người dân.

Theo ông Phan Hữu Thắng, thị trường BĐS Việt Nam 30 năm qua đã có bước phát triển tích cực, nhưng đây mới chỉ là giai đoạn đoạn đầu của một quá trình, bởi thị trường BĐS còn đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại như: cơ cấu loại hình sản phẩm còn khá chênh lệch, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội chưa đạt; hiện tượng đầu cơ, thổi giá BĐS vẫn tồn tại; quy hoạch phát triển BĐS theo lãnh thổ chưa rõ ràng, nhiều vùng còn chưa có quy hoạch phát triển, hoặc quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch phát triển chung của cả nước…

Bên cạnh đó là những khó khăn khác như: Sự liên kết trong đầu tư BĐS giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước, đặc biệt là các DN quy mô vừa và nhỏ còn yếu và thiếu; định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào BĐS còn chưa được xác định rõ (phân khúc nào, khu vực nào, đối tượng nào nên mời gọi đầu tư nước ngoài để xây dựng được một nền kinh tế tự cường, đảm bảo an ninh quốc gia trong lâu dài...); sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0…

Trên cơ sở số hóa và trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh cũng đang trở thành một đòi hỏi mới của thị trường và là một xu hướng đầu tư mới… Các xu hướng này đều đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản lý: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến bất động sản, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” là mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới…

“Việc nhận diện rõ xu hướng sở hữu BĐS ở Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam liên quan đến BĐS phù hợp với thực tiễn Việt Nam và học hỏi được từ kinh nghiệm quốc tế” – ông Phan Hữu Thắng nói.

Công cụ thuế giúp quản lý đất đai hiệu quả

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ thông tin khái quát về quá trình hình thành chính sách, pháp luật về sở hữu đất đai, quyền sở hữu đất đai và quan niệm ở Việt Nam; cùng nhau bàn về sự chuyển động của thị trường và sản phẩm BĐS tại Việt Nam, cùng chia sẻ kinh nghiệm ghi nhận được từ các quốc gia khác; đồng thời nêu ra những mối quan tâm của chủ đầu tư và người mua BĐS đối với vấn đề sở hữu BĐS tại Việt Nam, xu thế trỗi dậy của sản phẩm BĐS có thời hạn…

dang hung vo

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nêu giải pháp quản lý đất đai mang lại hiệu quả cao. Ảnh Đ.Doãn

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở Việt Nam, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai có thể coi là một chủ trương chính trị. Để đưa đất đai vào thị trường, giải pháp đưa ra là quyền sử dụng đất (SDĐ) được vận hành trong thị trường SDĐ thay thế cho đất đai. Như vậy, quyền SDĐ có thể coi là quyền sở hữu tư nhân hạn chế về đất đai.

Giải pháp nào cũng có ưu điểm và cũng có nhược điểm so với giải pháp trích nhượng quyền sở hữu cho tư nhân trong thời hạn SDĐ mà một số nước khác đang áp dụng. Hiện tại, giải pháp của Việt Nam đang được Bắc Triều Tiên và một số nước châu Phi đánh giá cao và tìm cách áp dụng.

Dựa trên giải pháp này, Nhà nước ta đã công nhận đất ở được sử dụng lâu dài, lý do chính là cho phù hợp với tư duy truyền thống của người Việt. Chế độ SDĐ có thời hạn có ưu điểm là làm cho người SDĐ có trách nhiệm hơn, luôn muốn sử dụng triệt để trong thời hạn mình đã bỏ tiền ra để được SDĐ, tránh được hiện tượng đầu cơ đất đai và tích trữ nguồn lực tài chính vào đất đai.

“Tuy nhiên, cơ chế bền vững nhất là đất đai được sử dụng có thời hạn dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, bởi đem lại những mặt tích cực như: Người SDĐ có trách nhiệm cao về sử dụng, hiệu suất SDĐ cũng cao, giảm chi phí đất đai trong sản phẩm hàng hóa, nguồn thu ngân sách ổn định. Tuy nhiên, phương thức này lại chỉ phù hợp với một xã hội công nghiệp hiện đại, bỏ qua được thói quen và tư duy cũ của một xã hội đang phát triển” – ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

“Trong khi đó, nhiều nước công nghiệp phát triển cũng vẫn thừa nhận hình thức SDĐ vô thời hạn không chỉ đối với đất ở mà đối với mọi loại đất. Công cụ của họ đối với đất sử dụng vô thời hạn, hoặc có thời hạn mà trả tiền một lần chính là thuế SDĐ. Một khi thuế SDĐ ở mức cao sẽ làm cho giá đất giảm, người SDĐ khai thác sử dụng đất triệt để, tránh được đầu cơ, tích trữ đất đai và cũng tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách” – ông Đặng Hùng Võ nêu ý kiến./.

Đỗ Doãn (ghi)