Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, khai thác TS

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, khai thác TS công để TS công phát huy hiệu quả cao nhất

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được gỡ bỏ và quan trọng hơn cả là sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Mới xác định được 21 nghìn tỷ đồng giá trị tài sản công

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2016/NĐ- CP ngày 6/1/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2009/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN), những “nút thắt” trong quản lý, sử dụng TS công tại ĐVSNCL đã được gỡ bỏ, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực từ TS công.

Quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khi nhiều ĐVSNCL sau khi được giao TS đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động, tăng khả năng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp một phần vào NSNN.

Tuy nhiên, theo thống kê, hết năm 2015 mới có 723 ĐVSNCL được Nhà nước xác định giá trị TS để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, với tổng giá trị trên 21.000 tỷ đồng (chiếm 2,2% tổng giá trị TSNN tại ĐVSNCL đang theo dõi trên Cơ sở dữ liệu). Nhiều ĐVSNCL đủ điều kiện nhưng không làm thủ tục để được giao TS hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn sử dụng TSNN vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoặc cho thuê, liên doanh, liên kết. Qua tổng kết, đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, có nhiều rào cản trong quá trình giao TS cho ĐVSNCL.

Cụ thể, do một số tiêu chí xác định ĐVSNCL đủ điều kiện được Nhà nước giao TS còn chưa phù hợp với thực tế, nên đã tạo tâm lý e ngại hoặc cản trở những đơn vị có khả năng xã hội hóa được sử dụng TS để tạo nguồn lực phát triển.

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị TS để giao, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất còn phức tạp do phải xác định giá đất cụ thể theo giá thị trường. Việc xác định này là cần thiết khi sử dụng TS vào mục đích kinh doanh và trong trường hợp giá dịch vụ sự nghiệp công lập được phép tính đủ chi phí và toàn bộ TS được trích khấu hao để tạo nguồn tái tạo TS mới. Tuy nhiên, trong thực tiễn thời gian qua và sắp tới, việc tính đủ chi phí phải có lộ trình thích hợp (Chính phủ đã quy định lộ trình này tại Nghị định số 16/2015/NĐ- CP). Vì vậy, ngay khi giao vốn đã phải xác định theo giá thị trường bằng các phương pháp so sánh, chiết trừ, thu nhập, thặng dư không còn cần thiết, tốn kém chi phí, thời gian.

Thời hạn thực hiện các bước trong quá trình xác định giá trị TS chưa được quy định cụ thể hoặc đã được quy định nhưng chưa phù hợp, vì vậy, quá trình thực hiện còn bị kéo dài, không có cơ sở xử lý trách nhiệm…

Giảm 70% thời gian chi phí xác định giá trị tài sản

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, trước những rào cản này, Bộ Tài chính đã có những biện pháp để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực từ TS công.

Một trong những biện pháp được Bộ Tài chính đưa ra là đơn giản hóa tiêu chí, mở rộng phạm vi đối tượng đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện xác định giá trị TS để giao cho quản lý. Theo đó, tất cả các ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đều đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị TS giao cho quản lý mà không cần thêm các điều kiện như trong quy định trước đây.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đơn giản hóa việc xác định giá trị TS theo hướng, TS chưa được theo dõi trên sổ sách kế toán hoặc đã tính hao mòn đủ nhưng vẫn còn sử dụng được thì thành lập hội đồng xác định lại giá trị TS. Việc xác định giá trị TS sẽ do ĐVSNCL tự tổ chức thực hiện. Với quy định này, thời gian và chi phí xác định giá trị TS sẽ giảm bớt khoảng 70% so với trước đây. Đối với quyền sử dụng đất, giá trị xác định được căn cứ vào bảng giá đất của địa phương và hệ số điều chỉnh giá đất.

Bộ Tài chính đưa ra quy định các bước trong quy trình giao TSNN cho ĐVSNCL nên đã rút ngắn được trên 50% thời gian so với thời gian thực hiện trước đây. Cùng với đó là việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, khai thác TS công tại các đơn vị này.

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, với những quy định này, những “nút thắt” và “rào cản” trong việc quản lý, sử dụng TS công tại các ĐVSNCL đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, để khai thác tốt được tiềm lực từ TS công vẫn rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là từ ngay các ĐVSNCL đang quản lý, sử dụng TSNN.

Vân Hà