Nghệ nhân Ưu tú Vương Mạnh Tuấn bên chiếc lục đỉnh mà ông tạo ra nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: NM.
Du học xong… về làng
Chúng tôi khá ấn tượng với câu chuyện của ông Phạm Huy Khôi về truyền thống hiếu học của người dân nơi đây. Theo ông Khôi, khác với rất nhiều làng nghề khác trên đất nước Việt Nam này, người dân Bát Tràng rất hiếu học và quan tâm đến việc học hành.
Nhờ được đào tạo bài bản, nhiều gia đình có con em học đại học, nên kinh tế ngày càng phát triển, bộ mặt làng nghề thay đổi theo hướng tích cực.
“Ở làng tôi con em đi học đại học nhiều lắm. Việc lựa chọn ngành, trường học giờ cũng khác xưa rất nhiều. Nếu như trước đây các gia đình cho con em học các trường không liên quan nhiều đến làng nghề, thì nay họ đã hướng nghiệp cho con cái học các trường mỹ thuật, hoặc các trường kinh tế"- ông Khôi nói.
Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ tả ngạn của sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngôi làng cổ, đã tồn tại khoảng 500 năm nay. Hiện Bát Tràng có 125 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 1.500 hộ dân sản xuất, kinh doanh mặt hàng gốm sứ truyền thống. Thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khoảng trên 5.000 tỷ đồng/năm. Bát Tràng hiện đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân đã cải thiện đáng kể.
Cũng theo lời ông Khôi, hiện nay có gia đình cho con đi du học nước ngoài để học về hội họa, tạo hình, rồi trở về phục vụ công việc gia đình. Nhờ đó, các sản phẩm của Bát Tràng hiện nay ngày càng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế khách đến Bát Tràng tham quan, mua sắm cũng ngày càng nhiều hơn.
Cầm trên tay chiếc ấm pha trà màu nâu, một sản phẩm mới với mẫu mã khá đơn giản nhưng sang trọng, nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn nói: “Đây là sản phẩm được tạo ra bởi đôi bàn tay của những người thợ Bát Tràng, điều đặc biệt nhất của sản phẩm là chất liệu rất nhẹ, nước men bóng, độ bền cao, được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đặt mua. Cứ khoảng 3 - 5 năm một lần, gia đình tôi lại nghiên cứu, cho ra một mẫu sản phẩm mới”.
Có lẽ cũng bởi sự đặc biệt của gốm sứ Bát Tràng, nên nó đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Thái Lan... Những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ thủ công mỹ nghệ, được chế tác tinh xảo, có độ bền cao, được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nổi tiếng.
Chuyển hướng phục vụ người tiêu dùng nội địa
Nếu như từ những năm 2.000 trở về trước có tới 60 - 70% sản phẩm của Bát Tràng được xuất khẩu đi nước ngoài, thì từ năm 2010 trở lại đây, thị trường tiêu thụ đã có sự thay đổi theo hướng phục vụ thị trường nội địa là chính. Hiện nay, chỉ những sản phẩn thủ công mỹ nghệ, được chế tác tinh xảo mới xuất khẩu. Còn lại, hầu hết sản phẩm của Bát Tràng hiện nay là phục vụ nhu cầu của người dân trong nước.
Theo ông Phạm Huy Khôi, cơ cấu hàng xuất khẩu hiện nay chỉ chiếm khoảng 10 - 15% tổng số hàng hóa tiêu thụ mỗi năm. Nguyên nhân là do nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài đã có sự thay đổi và phần nào đã bão hòa. Để tồn tại, người dân Bát Tràng đã tự tìm tòi nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để phục vụ.
Vì thế, không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống như bát, đĩa, đồ thờ cúng… mà hiện nay các sản phẩm của Bát Tràng đã hướng đến phục vụ nhu cầu tiêu dùng khác như: ấm chén, trang trí nội thất, đồ lưu niệm...
“Sản phẩm của Bát Tràng hiện nay gần như có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, điển hình như nghệ nhân Phạm Đạt có chuỗi cửa hàng trưng bày, bán các sản phẩm tâm linh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Mỗi gian hàng chi phí khoảng 300 triệu đồng để trang trí, trưng bày giới thiệu sản phẩm. Số cửa hàng giới thiệu sản phẩn này đang tăng dần, phạm vi ngày càng rộng hơn. Điều này cho thấy thị sản phẩm của Bát Tràng đang tìm cách len lỏi vào thị trường trong nước”- ông Khôi cho biết.
Cũng giống như gia đình nghệ nhân Phạm Đạt, sản phẩm của gia đình nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn cũng chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước. Dù mới bước vào đầu mùa vụ, nhưng để có hàng phục vụ cho người dân dịp cuối năm, gia đình ông đã phải thuê 20 nhân công làm việc.
Chiếc máy trộn đất chạy rầm rầm xuốt ngày đêm. Căn nhà xưởng rộng chừng 200 mét vuông, 4 tầng, chất đầy những kiện hàng. Ông Tuấn nói: "Từ giờ tới cuối năm là thời điểm rất bận. Mệt, nhưng thấy vui vì sản phẩm của mình được chính người dân trong nước chấp nhận, tự tìm đến đặt mua"./.
Những hình ảnh mà phóng viên TBTCO ghi lại các công đoạn cơ bản để làm ra sản phẩm ấm chén, tại xưởng sản xuất của Nghệ nhân Ưu tú Vương Mạnh Tuấn:
|
Máy trộn đất hoạt động liên tục 24/24 giờ mới đủ nguyên liệu để sản xuất. |
|
Khi đất được trộn đều, nó được các công nhân đổ vào khuôn theo những kính thước, mẫu mã đã định sẵn. |
|
Sau khi sản phẩm được lấy ra từ khuôn đúc, người thợ gốm tiến hành chỉnh sửa các chi tiết cho hoàn thiện. |
|
Sau khi chỉnh sửa các chi tiết và đưa vào lò lung, sản phẩm được đưa vào kho để thực hiện các công đoạn tiếp theo. |
|
Những chiếc chén sẽ được tráng men. |
Sau khi tráng men lớp bên trong, sản phẩm được các công nhân lau sạch, rồi tiếp tục trang men lớp bên ngoài.
Đóng gói sản phẩm. |
Nghệ nhân Ưu tú Vương Mạnh Tuấn bên bộ sản phẩm đã hoàn chỉnh. Ông cho biết, bộ ấm chén này có giá 400 nghìn đồng. |
Nhật Minh