Hy Lạp thông qua gói cải cách thứ 2

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Gói cải cách thứ nhất chủ yếu tập trung vào việc tăng thuế và thắt chặt ngân sách và điều này đã gây ra một sự phản đối mạnh mẽ ở Đảng cánh tả Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras vào cuối tuần trước. Gói cải cách này chỉ được thông qua nhờ vào phiếu bầu từ các đảng đối lập ủng hộ châu Âu.

Dự luật mà các nhà lập pháp vừa bỏ phiếu rạng sáng ngày 23/7 bao gồm các quy định liên quan đến việc xử lý các ngân hàng phá sản và việc đẩy nhanh cải cách hệ thống tư pháp trong nước. Đây là hai điều kiện được EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra để bắt đầu các cuộc đàm phán về gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro.

Dự luật này đã được dễ dàng thông qua nhờ sự ủng hộ của các đảng đối lập với 230 phiếu ủng hộ trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội.

Trong khi đó, 36 thành viên trong Đảng Syriza, chiếm gần 25% số thành viên lập pháp của Đảng đã bỏ phiếu chống lại dự luật hoặc bỏ phiếu trắng. Đây cũng chính là những thành viên đã chống lại Thủ tướng Tsipras trong cuộc bỏ phiếu tuần trước.

“Chúng ta đã phải đưa ra những lựa chọn khó khăn và cá nhân tôi cũng đã làm ra những lựa chọn không dễ dàng và trách nhiệm. Chúng ta ngày hôm nay phải cùng xác định lại các khả năng trước mắt trong hoàn cảnh mới. Chúng ta đã lựa chọn một thỏa hiệp đầy khó khăn để ngăn chặn những kế hoạch cực đoan của những thành phần cực đoan nhất ở châu Âu,” Thủ tướng Tsipras phát biểu trong lời kêu gọi Quốc hội thông qua cải cách.

Ông Tsipras trước đó đã công khai nói rằng, ông không đồng ý với những yêu cầu của các nước khu vực Eurozone và IMF để tiến hành các cuộc đàm phán gói cứu trợ thứ ba nhằm cứu nước này khỏi cảnh vỡ nợ.

Nhưng sau đó ông đã quay ngoắt lại đồng ý thỏa thuận vào phút cuối để giữ Hy Lạp trong khối khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Mặc dù vậy, những thành viên cứng rắn trong Đảng Syriza, những người đã phản đối đạo luật tuần trước vẫn bác bỏ dự luật tuần này cũng như phàn nàn về độ dài của dự luật tới tận hơn 900 trang.

Cùng với Đảng liên minh cánh hữu dân tộc Hy Lạp Độc lập (IG), Thủ tướng Tsipras có 162 ghế trong số 300 ghế tại Quốc hội. Sự phản đối của một số thành phần trong Đảng khiến sự ủng hộ chỉ còn 123 phiếu và các quan chức chính phủ cho biết cuộc bầu cử có khả năng diễn ra trong tháng 9 hoặc tháng 10 khi gói cứu trợ được thông qua.

Ủy viên phụ trách vấn đề Kinh tế và Tiền tệ châu Âu Pierre Moscovici cho biết, ông tin rằng Quốc hội Hy Lạp sẽ thông qua dự luật. Các định chế chủ nợ đang cố gắng kết thúc các cuộc đàm phán với Hy Lạp về gói cứu trợ thứ ba vào nửa cuối tháng 8 tới đây.

Chính quyền Athens cũng cho biết, họ hy vọng các cuộc đàm phán về thỏa thuận cứu trợ có thể bắt đầu trong tuần này và sẽ kết thúc vào 20/8.

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Hy Lạp bắt đầu các hoạt động bình thường là việc các ngân hàng nước này đã mở cửa trở lại vào hôm thứ Hai đầu tuần và Athens đã trả nợ đúng hạn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF.

ECB cũng nâng hạn mức trần cho quỹ cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp thêm 900 triệu euro, bằng với con số họ cung cấp vào tuần trước. Trong khi đó, Standard & Poor cũng nâng hạng tín nhiệm nước này lên thêm 2 bậc.

Tuy nhiên, các biện pháp thắt lưng buộc bụng vẫn là điều khó chấp nhận ở một đất nước mà nền kinh tế đã giảm ¼ thời gian trong suốt 5 năm khủng hoảng và tỉ lệ thất nghiệp ở mức hơn 25%./.

Mai Hương (theo Reuters)