Doanh thu của kênh đào này đã đạt mức kỷ lục 7 tỷ USD trong tài khóa 2021-2022. |
Theo Chủ tịch SCA Osama Rabie, trong tài khóa bắt đầu từ tháng 7/2021 và kết thúc vào cuối tháng 6/2022, khoảng 1,32 tỷ tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua Kênh đào Suez. Điều này giúp SCA tăng thu nhập từ phí quá cảnh thêm 20% so với mức 5,8 tỷ USD trong tài khóa trước đó.
Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez, con kênh nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Tuyến hàng hải dài 190km này có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế Ai Cập, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho Ai Cập, quốc gia đang đối mặt với tình hình lạm phát gia tăng và tiền tệ mất giá do khủng hoảng Nga - Ukraine.
Theo số liệu chính thức, giá hàng hóa thế giới tăng vọt đã giúp đẩy lạm phát của Ai Cập lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Theo thống kê, mức lạm phát tại Ai Cập đạt 15,3% trong tháng 6 vừa qua.
Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, nguồn dự trữ ngoại tệ của Ai Cập cũng giảm 5,5 tỷ USD xuống còn 35,5 tỷ USD do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Để hỗ trợ nền kinh tế, Ai Cập đã đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp khoản vay mới cũng như ký các thỏa thuận đầu tư trị giá hàng tỷ USD với Ả rập Xê út và Qatar.
Tuần trước, Ai Cập thông báo đã nhận được 500 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Năm 2021, doanh thu từ kênh đào đạt mức kỷ lục 6,3 tỷ USD, tăng 13% so với mức 5,6 tỷ USD vào năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 hay sự kiện tàu Ever Green tàu Ever Green chở 18.000 container hàng hóa gặp sự cố, đâm vào bờ của kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 năm ngoái, khiến 400 con tàu khác bị tắc nghẽn.
Ai Cập hiện đang đẩy nhanh dự án mở rộng và nâng cấp Kênh đào Suez bằng cách kéo dài đoạn lưu thông hai chiều từ 75 km lên 85 km. Với tổng kinh phí khoảng 191 triệu USD, dự án sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2023 sau hai năm triển khai thi công. Sau khi dự án hoàn thành, thời gian di chuyển của tàu thuyền qua Kênh đào Suez sẽ giảm xuống khoảng 11 giờ, từ mức 13-15 giờ hiện nay./.