Thực tế cho thấy, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok…như một mảnh đất màu mỡ để thúc đẩy việc tăng doanh thu bán hàng cho các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh cá nhân. Hiện nay, theo báo cáo WeAreSocial Digital 2024, số lượng người dùng mạng xã hội Tiktok, Facebook ở Việt Nam đạt gần 68 triệu người. Với số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày một tăng cao, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân tiến hành kinh doanh trên nền tảng số thông qua hình thức livestream.

Trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, chỉ với một từ khoá “thịt trâu gác bếp” hay “khoai lang sấy dẻo”, người dùng sẽ nhận được vô số kết quả liên quan là những video quảng cáo bán hàng hay thậm chí là những livestream đang phát ngay tại thời điểm đó với các mức giá khác nhau.

Kinh doanh không tem nhãn trên nền tảng số, ẩn hoạ nguy cơ với khách hàng
Trên nền tảng Tiktok nhiều sản phẩm khoai lang dẻo sấy được bán tràn lan không tem nhãn. Ảnh: Thu Hương

Theo đó, tại những video hay những phiên livestream đang phát, các sản phẩm liên quan sẽ được người bán cập nhật tại giỏ hàng để người dùng thuận tiện trong việc lựa chọn và tiến hành thanh toán. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm được bán trên nền tảng Tiktok không có bất cứ tem nhãn phụ cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng hay những cảnh báo về sức khoẻ đối với người sử dụng. Việc mua hàng chỉ dựa vào lời giới thiệu của người bán.

Thậm chí, để kiểm tra về chất lượng của sản phẩm, người mua chỉ có thể dựa phản hồi của các khách hàng đã mua sản phẩm. Tuy nhiên, cũng rất khó cho người dùng trong việc xác minh những phản hồi được cho là của khách hàng ở các sản phẩm có phải đúng thực sự là người đã từng mua hàng hay không.

Mua bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử hay các phiên livestream trên các nền tảng xã hội đều không chỉ tồn tại những lỗ hổng trong kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, gây nhiều hệ lụy về vật chất, tinh thần cho người tiêu dùng.

Theo quy định của TikTok, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn về tem nhãn được chia thành hai loại. Thứ nhất là trên bao bì của sản phẩm không có tem nhãn thể hiện được tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa. Thứ hai là các sản phẩm tiêu dùng như thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm làm đẹp…. được người bán chiết xuất, đóng gói thủ công, không đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về đóng gói và bảo quản.

Có thể thấy rằng, những quy định mà Tiktok đề ra còn nhiều lỗ hổng và lợi dụng những lỗ hổng đó mà nhiều người bán ngang nhiên công khai bán hàng livestream sản phẩm không có tem nhãn. Thậm chí, sản phẩm khi đăng tải lên giỏ hàng vẫn không có tem nhãn. Việc mua hàng không có tem nhãn cung cấp các thông tin về thành phần cũng như nguồn gốc xuất xứ đã khiến cho khách hàng chịu mọi rủi ro.

Kinh doanh đồ ăn không tem nhãn trên nền tảng số, liệu các hộ kinh doanh cá nhân có đang đùn đẩy rủi ro cho khách hàng?
Rất nhiều các sản phẩm không tem nhãn được đăng bán số lượng lớn tại các phiên livestream. Ảnh: Thu Hương

Được biết, hiện nay, hầu hết hộ kinh doanh cá nhân trên nền tảng mạng xã hội đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng nên nguy cơ ngộ độc khi ăn phải là điều không tránh khỏi. Mặc dù vậy, việc kiểm soát, hay xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh qua mạng cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Trước những khó khăn, bất cập của việc xử lý vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh qua mạng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức khi mua sắm, cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ vai trò của mình trong việc phát hiện cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh qua mạng.

Mới đây, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công điện gửi cục trưởng cục thuế tỉnh, thành; Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn về quyết liệt triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tại công điện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành, Cục Thuế doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết.

Cùng với đó là việc nộp thuế của đối tượng cung cấp sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm; đặc biệt, việc nộp thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng hóa, dịch vụ.